Những ngày trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thị trường hàng hóa tại TP. Hồ Chí Minh bắt đầu sôi động, lượng hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống, chế biến về thành phố đã tăng gấp 3 - 4 lần ngày bình thường. Tuy nhiên, sức mua hiện chưa tăng nhiều bằng năm trước. Đặc biệt, thông tin dịch bệnh bùng phát trở lại tại một số tỉnh phía Bắc đã khiến người dân chú ý hơn trong việc lực chọn hàng hóa thiết yếu mua sắm trong mùa Tết.
![]() |
Lượng hàng về thành phố rất dồi dào, phong phú, đang chờ đợi người mua |
Ba chợ đầu mối lớn nhất TP. Hồ Chí Minh là Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền đang tập trung nguồn hàng từ nhiều địa phương tập kết về bán Tết. Trong đó, chợ đầu mối Thủ Đức cung cấp nguồn hàng rau củ quả; chợ Hóc Môn phần lớn là hàng thịt gia súc, gia cầm, rau quả; chợ Bình Điền đa dạng hàng hóa nhất, với hoa cây cảnh, thịt gia súc gia cầm, rau quả... Đặc biệt, Bình Điền là chợ thủy hải sản tươi sống, chế biến và khô lớn nhất TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung hàng hóa tại chợ Bình Điền hiện phục vụ 80% nhu cầu của người dân thành phố và các tỉnh lân cận. Tháng Tết này, lượng hàng hóa từ các tỉnh miền Đông, miền Tây về ba chợ đầu mối tăng gấp 3 - 4 lần. Hiện nay lượng hàng về chợ trung bình từ 8.000 tấn - 10.000 tấn/ngày/chợ.
Theo ông Nguyễn Bình Phương, Phó giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, trung bình một ngày chợ đầu mối Thủ Đức cung cấp ra thị trường khoảng 3.500 tấn trái cây, rau, củ quả tươi, đáp ứng 50% - 60% nhu cầu của thị trường TP. Hồ Chí Minh. Vào cao điểm Tết (hai tuần trước Tết) số lượng hàng hóa tăng gấp ba, bốn lần bình thường.
Theo Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, đến thời điểm này tiểu thương chợ đầu mối, cả chợ lẻ, doanh nghiệp và hệ thống siêu thị đã thực hiện đúng tiến độ chuẩn bị hàng hóa Tết. Lượng hàng về thành phố rất dồi dào, phong phú, đang chờ đợi người mua. Với sự chuẩn bị này, thành phố sẽ không xảy ra việc khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá, biến động cung cầu.
Tuy nhiên, theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nên có thể khiến xu hướng tiêu thụ Tết thay đổi. Người dân với tâm lý phòng chống dịch bệnh có thể sẽ tập trung ưu tiên vào nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, dự trữ được lâu như gạo, đường, muối, mì phở ăn liền. Đến thời điểm này, thành phố chưa ghi nhận có sự tăng giá đột biến bất cứ nhóm hàng nào. Nhưng một số nhóm mặt hàng đặc trưng Tết như trái cây vốn giá đã cao từ trong Tết, nên hiện giá có tăng nhẹ. Cụ thể, giá một số loại trái cây chủ yếu như giá sỉ xoài cát Hòa Lộc 137.000 đồng/kg, các mặt hàng nhãn lồng, mãng cầu, quýt đường giá từ 55.000 đồng - 90.000 đồng/kg.
Riêng mặt hàng thịt lợn, theo Bộ Công thương vẫn có yếu tố khó dự đoán, do dịch tả lợn châu Phi tái phát tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, khiến ngành chăn nuôi lợn vẫn gặp rủi ro. Nhưng ghi nhận thị trường tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh từ nay đến những ngày cận Tết sẽ không xảy ra tình trạng thịt lợn khan hàng, sốt giá vì hiện tại nguồn cung khá dồi dào. Trong khi đó, tiêu thụ mặt hàng thịt lợn thời gian qua chậm lại, do người dân chuyển sang tiêu thụ thịt gia cầm, thịt mát. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn dịp Tết Nguyên đán 2021 tại TP. Hồ Chí Minh sẽ không tăng hơn so với năm trước.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh đã dự trù đến việc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và đang có khả năng bùng phát trở lại, TP. Hồ Chí Minh sẽ có đến 70% người lao động tại nhiều địa phương trên cả nước không được về quê ăn Tết. Vì vậy, sở đã khuyến khích doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ và các chợ trên địa bàn thành phố chuẩn bị nguồn hàng thực phẩm thiết yếu cung ứng cho thị trường. Không để xảy ra tình trạng khan hàng tăng giá đột biến trước, trong và sau Tết.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/soi-dong-cho-tet-111474.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.