Liên kết để đón đầu hội nhập
10:06 | 29/01/2021
Thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất trong nước và tiêu thụ hàng hoá cũng giảm mạnh. Chính vì vậy, khu vực kinh tế tập thể, các HTX kiểu mới có liên kết với DN trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa cũng chịu tác động lớn. Để phát triển ổn định, theo các chuyên gia cần phải phát huy mạnh vai trò của nhà nước trong việc tạo liên kết chặt chẽ giữa các HTX và DN để đưa nền nông nghiệp phát triển bền vững.
![]() | Tín hiệu tích cực từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp |
![]() | Năm 2021: Nông nghiệp sẽ tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế |
![]() | Xuất khẩu nông sản thời kỳ hậu Covid-19: Biến khó khăn thành cơ hội |
Theo đại diện Liên minh HTX Việt Nam, mặc dù có nhiều lợi thế và được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước nhưng đến nay, số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế, mới chỉ chiếm 1,3% tổng số DN đang hoạt động. Nếu tính cả các DN cung ứng dịch vụ, đầu vào và chế biến liên quan đến nông nghiệp cũng chỉ chiếm khoảng 7%. Chưa kể, chủ yếu các DN này ở quy mô nhỏ và rất nhỏ (64,5% số DN đó có vốn dưới 5 tỷ đồng). Thực tế này đã dẫn đến hệ lụy là nền nông nghiệp Việt Nam trong cơ chế thị trường thiếu hẳn một lực lượng nòng cốt làm trụ cột và dẫn dắt, chưa xây dựng được chuỗi liên kết sản phẩm và chưa tạo được thị trường đầu ra ổn định.
![]() |
DN và bà con nông dân cần tạo ra mối liên kết thực chất trong sản xuất |
Hiện nay, kinh tế hợp tác, HTX có vai trò và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khu vực kinh tế hợp tác đang phát triển khá nhanh cả về mặt số lượng và chất lượng với nhiều mô hình mới, cách làm hay. Thế nhưng trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, kinh tế HTX đang đứng trước những thách thức và cơ hội buộc phải thay đổi mạnh mẽ và phải tự làm mới mình nếu không muốn bị tụt hậu. Trên thực tế hiện nay, việc liên kết chuỗi giữa HTX với DN vẫn còn lỏng lẻo, mang tính hình thức, phong trào, khẩu hiệu mà chưa đi vào thực chất, khiến cho việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản đôi lúc còn bỏ ngỏ dẫn đến tình trạng bị tư thương lợi dụng thao túng giá cả thị trường, thậm chí “bẻ gãy” chuỗi liên kết một cách dễ dàng. Do vậy, việc liên kết giữa HTX và DN cần được nâng lên ở mức độ cao hơn.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp Việt Nam, trong đó DN và người nông dân được xác định là hai “mắt xích” quan trọng nhất trong chuỗi liên kết, bởi một bên - DN có vốn, kỹ thuật, công nghệ, quản trị, thị trường và một bên - người nông dân có sức lao động và đất đai. Tuy nhiên, bản thân mỗi DN không thể tự liên kết với từng hộ nông dân mà phải thông qua các HTX, hay nói cách khác các nông hộ tự liên kết với nhau dưới hình thức HTX, sau đó liên kết và kết nối với các DN, chỉ có như vậy mối liên kết này mới thực sự bền vững.
Đại diện Tập đoàn TH cho biết, là đơn vị tiên phong trong cả nước đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, đồng bộ, tập đoàn đã thực hiện thành công các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi đời sống người nông dân và diện mạo nền nông nghiệp Việt Nam. Với những thành công rực rỡ mang thương hiệu TH Truemilk, FVF, TH Herbals, MDE... Tập đoàn TH đang tiến hành nhân rộng các dự án lõi, mở rộng quy mô hoạt động của các nhà máy chế biến và đặc biệt là mở rộng quy mô sản xuất vùng nguyên liệu liên kết với người nông dân thông qua mô hình HTX kiểu mới.
Theo đó, các HTX sẽ được thành lập mới hoặc tái cấu trúc từ các HTX sẵn có. Đối với việc thành lập mới thì khi tham gia vào HTX, các hộ nông dân ký cam kết tham gia vào HTX, có thể góp tiền (tối thiểu có thể là 1 triệu đồng), góp đất hoặc chỉ cần đăng ký với HTX và chính quyền địa phương một diện tích đất cụ thể thuộc sở hữu của mình để tham gia vào HTX và thực hiện việc sản xuất, canh tác trên chính phần đất đã đăng ký. Với cách làm này, các HTX tập hợp được quỹ đất đủ lớn để sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, có như vậy mới đảm bảo việc cung cấp đủ nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Các HTX sẽ trực tiếp sản xuất nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến của TH. Được hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật, công nghệ, quy trình sản xuất, tổ chức quản trị, điều hành và được bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Nhờ cách làm này, các HTX đã trở thành một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi giá trị liên kết sản phẩm. Tập đoàn TH sẽ ký hợp đồng liên kết với NHTMCP Bắc Á để hỗ trợ cho các HTX về tư vấn đầu tư chuỗi giá trị liên kết sản phẩm và cung ứng vốn tín dụng cho các HTX trên cơ sở nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm tín dụng đặc thù phù hợp với tính chất hoạt động của các HTX… Đến nay đã có một số mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới này hoạt động rất hiệu quả, điển hình có thể kể đến như HTX chăn nuôi bò sữa cung cấp sữa nguyên liệu cho Đà Lạt Milk; HTX trồng nguyên liệu làm thức ăn cho bò sữa ở Nghĩa Đàn, Nghệ An; HTX trồng mía cho nhà máy mía đường NASU Nghệ An; HTX trồng cây ăn quả, dược liệu cho các nhà máy chế biến ở Bình Dương, Nghĩa Đàn - Nghệ An, Sơn La...
Theo Tập đoàn TH, để đón đầu hội nhập, thì liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến nông sản giữa DN và HTX là con đường tất yếu nhằm nâng cao chất lượng và uy tín của các mặt hàng nông sản cả trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Đề làm được điều này, ngoài vai trò “đầu tàu” của DN thì cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của chính quyền các cấp và địa phương. Theo đó, phải thiết lập hành lang pháp lý, tạo môi trường thông thoáng, đủ sức hấp dẫn để lôi kéo các DN tham gia và xây dựng chuỗi liên kết nông nghiệp. Chính quyền các cấp và địa phương phải đóng vai trò là bà đỡ là cầu nối để cho DN và bà con nông dân HTX gặp nhau để tạo ra mối liên kết thực chất trong sản xuất. Vận động tuyên truyền bà con tham gia chuỗi liên kết và Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho DN tiếp cận với các đối tác nước ngoài, cũng như thị trường quốc tế…
Nguyễn Minh