Đây là kết quả của việc chỉ đạo sát sao và đồng hành cùng các TCTD trên địa bàn của NHNN Chi nhánh Hà Nội thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng trong năm 2020 trước bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
*********
Chia sẻ từ NHNN Chi nhánh thành phố Hà Nội và các TCTD cho thấy, các chính sách hỗ trợ, chương trình tín dụng dịch vụ của ngành Ngân hàng trong năm 2020 như xe lửa hai đầu. Một đầu kéo kinh tế Thủ đô vượt khó đi lên, đầu kia thúc đẩy tăng trưởng từ bơm vốn vào các động năng tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Giám đốc NHNN Chi nhánh thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết ngay từ đầu năm, NHNN Chi nhánh Hà Nội đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan nắm bắt mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các ngành kinh tế. Từ đó, ngành Ngân hàng trên địa bàn tham mưu cho UBND thành phố triển khai có hiệu quả công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình, các lĩnh vực sản xuất, lưu thông hàng hóa thiết yếu, các lĩnh vực ưu tiên...
![]() |
Hà Nội đẩy mạnh cho vay nông nghiệp công nghệ cao, góp phần hiện thực hóa mục tiêu ngoại thành “chi viện” cho nội thành, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế thành phố |
Về phía các TCTD, bên cạnh việc thực hiện chỉ đạo chung của Chính phủ, NHNN Việt Nam, cũng xác định hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng cũng chính là tháo gỡ khó khăn cho chính mình. Đại diện lãnh đạo Agribank cho biết, trong năm 2020, để thực hiện “mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế” của Chính phủ và các chỉ đạo của NHNN Việt Nam, Agribank đã chủ động rà soát, cắt giảm chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng để 7 lần giảm lãi suất cho vay, 9 lần giảm phí dịch vụ, triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp. Trong đó, tại khu vực Hà Nội, Agribank đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 1.200 khách hàng, với tổng số trên 7.000 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 66 khách hàng với dư nợ được miễn, giảm lãi trên 1.000 tỷ đồng; cho vay mới trên 600 khách hàng với doanh số hơn 27.000 tỷ đồng.
Những trợ lực của ngành Ngân hàng thêm lan tỏa khi NHNN Chi nhánh Hà Nội đã thực hiện tốt vai trò lãnh đạo dẫn dắt hệ thống các TCTD, đồng thời kết nối với hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn nhằm khơi thông mọi kênh dẫn vốn. Như hồi tháng 5/2020, Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại Hà Nội có sự tham dự của đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội. Hay như từ việc NHNN Chi nhánh thành phố và các NHTM trên địa bàn tham gia đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội, giải đáp kịp thời đối với các kiến nghị của cử tri, qua đó giúp cho các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân hiểu rõ hơn về chủ trương, chính sách, giải pháp về hoạt động ngân hàng. Đồng thời, cũng tiếp nhận được những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của nhân dân để từ đó tham mưu, báo cáo kịp thời với NHNN Việt Nam để chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với đó, Chi nhánh đã thành lập bộ phận thường trực đường dây nóng, tiếp nhận thông tin xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 11.500 khách hàng, với tổng dư nợ đạt 45.200 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 5.000 khách hàng với tổng số tiền miễn giảm đạt hơn 75 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi đạt 445.684 tỷ đồng cho hơn 37 nghìn lượt khách hàng.
*********
Tập trung hỗ trợ chia sẻ cùng doanh nghiệp và khách hàng vượt qua khó khăn dịch bệnh, song các ngân hàng cũng tích cực trong việc hỗ trợ Thủ đô chuyển dịch cơ cấu kinh tế, với định hướng tăng tốc hội nhập và hòa mình cùng CMCN 4.0. Ngay cả ở khu vực nông nghiệp, bên cạnh Agribank, đã có nhiều TCTD hướng đến như NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Mặc dù thị phần nhỏ bé, song LienVietPostBank đang góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống, làm giàu trên chính mảnh đất của mình khi hướng tín dụng vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giúp họ tận dụng được cơ hội từ việc thành phố đang tập trung quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực ngoại thành. Hướng đi này đã giúp các chi nhánh của ngân hàng trên địa bàn Hà Nội trong năm 2020 có lại tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 70% so với năm 2019, tương ứng với 1.800 tỷ đồng, đưa dư nợ của LienVietPostBank trên địa bàn đạt xấp xỉ 4.400 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn Hà Nội đạt 190.333 tỷ đồng, chiếm 9,09% toàn địa bàn, góp phần vào việc thực hiện quyết tâm của thành phố đưa tăng trưởng ngành nông nghiệp lên 4,2%, hiện thực hóa mục tiêu ngoại thành phải “chi viện” cho nội thành, nông nghiệp phải là trụ đỡ của nền kinh tế mà thành phố đặt ra hồi đầu năm.
Các động năng phát triển kinh tế vừa được tháo gỡ khó khăn vừa được các TCTD đẩy mạnh công tác “bơm vốn” thông qua nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 395.541 tỷ đồng, chiếm 18,9%; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 52.006 tỷ đồng, chiếm 2,49%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 8.329 tỷ đồng, chiếm 0,4%; Dư nợ cho vay theo chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đạt 549.520 tỷ đồng.
“Cộng hưởng của những hoạt động bài bản và hệ thống này đã giúp ngành Ngân hàng trên địa bàn phát triển ổn định và hỗ trợ nền kinh tế hiệu quả”, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh thành phố Hà Nội cho biết. Đến 31/12/2020, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 3.957.300 tỷ đồng, tăng 12,91% so với 31/12/2019. Tính đến 31/12/2020, tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn đạt 2.314.506 tỷ đồng, tăng 9,58% so với cùng kỳ 2019, trong đó, dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 110.228 tỷ đồng, chiếm 5,27%; các chương trình tín dụng ưu đãi phù hợp với từng nhu cầu phát triển. Nợ xấu thấp hơn bình quân chung toàn ngành chỉ 1,91% càng thêm minh chứng hiệu quả của dòng vốn trong nền kinh tế.
Công tác an sinh xã hội vốn đã trở thành nếp hàng năm, lại càng được chú trọng triển khai trong bối cảnh ảnh hưởng sâu rộng của dịch bệnh Covid-19. Từ NHNN chi nhánh đến các TCTD đều có chương trình tín dụng an sinh xã hội, nhất là Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn Hà Nội cho vay 16 chương trình tín dụng chính sách, với dư nợ đến 31/12/2020 đạt 9.836 tỷ đồng, tạo điều kiện hỗ trợ vốn có hiệu quả cho các đối tượng yếu thế. Ngành ngân hàng Hà Nội đã đóng góp xấp xỉ 100 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội tập trung vào một số lĩnh vực: hỗ trợ người nghèo, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó, ủng hộ quỹ bảo trợ trẻ em, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid-19, ủng hộ người dân bị lũ lụt...
Những thành quả này đã góp phần cùng chính quyền và nhân dân Thủ đô đưa kinh tế thành phố bật tăng trở lại theo hình chữ "V" với GRDP quý IV tăng trưởng mạnh, đạt 5,77%. Tính chung GRDP của Hà Nội cả năm 2020 ước tăng 3,98% - cao gấp khoảng 1,4 lần mức tăng của cả nước.
*********
Trước bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Giám đốc NHNN Chi nhánh thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn cho biết, Chi nhánh sẽ tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh và triển khai kịp thời, có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam, Thành ủy và UBND TP. Hà Nội về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Trong đó, NHNN thành phố sẽ chỉ đạo và đồng hành cùng các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố trong việc chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai chính sách, nhất là tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn, góp phần hạn chế tín dụng đen. NHNN chi nhánh cũng sẽ làm đầu mối triển khai, đôn đốc thực hiện Kế hoạch phát triển tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn Hà Nội theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và UBND thành phố.
Đặc biệt, NHNN thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo và giám sát chặt chẽ các TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực tài chính, thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC để gia tăng sức mạnh nội lực, từ đó hỗ trợ người dân và nền kinh tế một cách hiệu quả nhất, đồng thời góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Hà Nội nói riêng và quốc gia nói chung.
Năm 2021, NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội tiếp tục triển khai kịp thời chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam, Thành ủy và UBND TP. Hà Nội về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Chỉ đạo TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật; thực hiện kế hoạch tăng trưởng huy động và tín dụng năm 2021 an toàn, hiệu quả theo định hướng của NHNN Việt Nam; tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng; tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. |
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nganh-ngan-hang-ha-noi-dau-keo-kinh-te-thu-do-bat-tang-tro-lai-111317.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.