Kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để khôi phục kinh tế

Chuyên gia UNDP cho rằng, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh là điều kiện tiên quyết, để khôi phục kinh tế và giảm thiểu tổn thất do đại dịch gây ra. Bên cạnh tiếp tục các biện pháp hỗ trợ kinh tế và an sinh - xã hội là cần sớm triển khai các giải pháp kích thích kinh tế.
kiem soat tot tinh hinh dich benh la dieu kien tien quyet de khoi phuc kinh te [Infographic] Kinh tế Việt Nam 2020
kiem soat tot tinh hinh dich benh la dieu kien tien quyet de khoi phuc kinh te Việt Nam tỏa sáng trong một năm đặc biệt
kiem soat tot tinh hinh dich benh la dieu kien tien quyet de khoi phuc kinh te

Cần tận dụng được cơ hội để năm 2021 phục hồi, để bứt phá

Sáng nay (20/1) khi đồng chủ trì Hội thảo Kinh tế Việt Nam và xu hướng phục hồi trong trung hạn, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá cao thành quả Việt Nam đạt được trong năm 2020.

“Thành công của Việt Nam trong việc đạt được mức phát triển con người cao và mục tiêu kép vừa phòng chống dịch dịch COVID-19 vừa tăng trưởng kinh tế đáng kể là nhờ sự lãnh đạo nhanh nhạy, tiên đoán, sức mạnh huy động nỗ lực và tinh thần đổi mới của người dân, và quyết tâm tập trung vào phát triển lấy con người làm trung tâm”, bà Wiesen phát biểu.

Dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới và giải pháp phục hồi kinh tế bền vững sau COVID-19 là vấn đề lớn đang được quan tâm và thảo luận.

Đồng chủ trì Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh để nền kinh tế phục hồi và bứt phá trong thời gian tới cần giải đáp được 3 câu hỏi: Đó là, COVID-19 chỉ là một sự đứt đoạn trong tăng trưởng hay đã và đang bào mòn các động lực tăng trưởng của giai đoạn tới? Những động lực chính và những yếu tố mới trong nước và quốc tế đối với quá trình tăng trưởng và phát triển của Việt Nam là gì? Các giải pháp nào Chính phủ và doanh nghiệp cần phải chú ý thực hiện nhằm phục hồi nền kinh tế và bứt phá?

"COVID19 đang mang đến những thách thức và cả cơ hội mới. Vì vậy, cần tận dụng được cơ hội để năm 2021 phục hồi, để bứt phá trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó nhiều xu hướng mới xuất hiện, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn", Thứ trưởng Phương lưu ý.

Sự phục hồi sau COVID-19 trên toàn cầu và sự phục hồi kinh tế khó khăn đặt ra những thách thức lớn, bối cảnh phát triển của Việt Nam tiếp tục có nhiều biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ.

Đáng lưu ý là như nghiên cứu của NCIF chỉ ra, trong nội tại nền kinh tế, quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế 2021-2025 đối mặt với nhiều thách thức: Đó là tác động, hiệu quả của các chính sách kích thích kinh tế khá hạn chế, nhiều đối tượng khó khăn trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ.

Và triển vọng đầu tư không đồng đều, đầu tư tư nhân vẫn yếu. Sức khỏe của doanh nghiệp không dễ dàng hồi phục ngay sau thời gian dài khó khăn.

Bên cạnh đó là sự chưa chắc chắn trong xu hướng phục hồi tăng trưởng của xuất khẩu, của các ngành kinh tế (các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, lữ hành có thể chưa tăng trưởng trở lại trong năm 2021 nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp).

Thách thức nữa là sức ép lạm phát và bất ổn vĩ mô do rủi ro chính sách siêu nới lỏng tiền tệ, tài khóa từ bên ngoài và chính sách tiền tệ mở rộng trong nước. Và độ bền vững NSNN bị đe dọa nếu chi ngân sách nhà nước ở mức cao.

Chuyên gia UNDP đề xuất 4 hành động phục hồi sau COVID-19

Hội thảo này đã đưa ra thông điệp về cách thức Việt Nam tiếp tục phát triển và chuyển đổi nền kinh tế để có thể tăng nhanh năng suất, khả năng cạnh tranh quốc tế, khả năng chống chịu, bình đẳng kinh tế và xã hội, hài hòa giữa Con người và Hành tinh.

Việt Nam cần có hệ thống những chính sách và giải pháp mới để kích thích kinh tế. Nhưng TS.Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP khuyến cáo: "Hỗ trợ, thúc đẩy một cách tản mạn vào mọi lĩnh vực và mọi doanh nghiệp sẽ khó thành công".

Vị chuyên gia này gợi ý hai tiêu chí để định hướng chính sách kinh tế hậu COVID:

Đó là tiêu chí về xuất khẩu: Theo đó sẽ hỗ trợ những doanh nghiệp trong nước đã có năng lực cạnh tranh quốc tế. Đó là tiêu chí về năng suất, hỗ trợ doanh nghiệp có năng lực tăng năng suất lao động, tạo việc làm, trả lương cao hơn và đang sẵn sàng đào tạo lao động.

“Các hỗ trợ nên gắn với kết quả và nên xóa bỏ hỗ trợ khi mục tiêu không đạt được”, TS.Jonathan Pincus khuyến nghị.

Bà Wiesen đề xuất 04 hành động chính để có thể phục hồi mạnh mẽ sau COVID-19 và không để lại ai phía sau, thông qua việc đảm bảo rằng:

Một là, tốc độ tăng trưởng nhanh của các mặt hàng xuất khẩu chế tạo là động lực chính tạo ra việc làm bền vững, tăng năng suất (và thu nhập).

Hai là, hài hòa cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, bằng cách chuyển đổi nền kinh tế (sản xuất và tiêu dùng) theo hướng tăng trưởng xanh và tiết kiệm năng lượng.

Ba là, phát triển thị trường vốn trong nước và nâng cao hiệu lực và hiệu quả sử dụng tất cả các nguồn lực tài chính phát triển để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Bốn là, tiếp tục áp dụng phương pháp quản trị 3 AAA (Dự đoán, Thích ứng và Nhanh nhạy), tạo môi trường thuận lợi cho việc thử nghiệm và tạo ra các giải pháp sáng tạo của và do người dân và các tổ chức ở Việt Nam.

Và để Việt Nam phục hồi và tăng tốc, tại hội nghị, UNDP đề xuất tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đối tác quan tâm tiếp tục Hội thảo này thành chuỗi hội thảo “Định hướng kinh tế Việt Nam”.

"Chuỗi hội thào này nên tổ chức 02 lần một năm, nhằm chia sẻ thông tin và phân tích các xu hướng kinh tế và các xu hướng trên toàn cầu và quốc gia, các cơ hội và thách thức mới cũng như hàm ý đối với chính sách của Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội", UNDP đề nghị.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kiem-soat-tot-tinh-hinh-dich-benh-la-dieu-kien-tien-quyet-de-khoi-phuc-kinh-te-111124.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.