Thể chế tốt là nền tảng quan trọng nhất

Theo TS.Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), để căn cơ hơn, lâu dài và bền vững hơn thì vẫn phải là cải cách thể chế, tạo được môi trường cho sản xuất kinh doanh; phải có chính sách để DN Việt Nam phát triển mạnh, hình thành nhiều hơn những DN lớn.
the che tot la nen tang quan trong nhat Cải cách thể chế môi trường kinh doanh: Vẫn thấp thoáng tư duy cũ
the che tot la nen tang quan trong nhat Khơi dậy khát vọng phát triển, đột phá vào thể chế thị trường
the che tot la nen tang quan trong nhat Cải cách thể chế: Một là tốc độ, hai là cơ chế

Đừng chủ quan, thỏa mãn

Nói về kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021, các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam đều chung một nhận định, tăng trưởng GDP 2,9% trong năm 2020 là một con số ấn tượng. DN Việt Nam và nền kinh tế có sức chống chịu tốt, khả năng phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định. Đây là tiền đề tốt cho năm 2021.

the che tot la nen tang quan trong nhat
Ảnh minh họa

Nhưng “đừng quá chủ quan, thỏa mãn trước những lời ngợi khen và đánh giá cao về những kết quả đã đạt được. Nếu có tư tưởng chủ quan, thỏa mãn sẽ phải trả giá!”, TS.Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lưu ý. Vị chuyên gia này nhấn mạnh điều tiên quyết vẫn là chống dịch, nên phải rất thận trọng với việc mở lại các chuyến bay thương mại, mở cửa cho du lịch quốc tế. “Đừng ham một đồng du lịch thu được mà mất 5 đồng để ngăn dịch bệnh lây lan”, ông nói. Còn để căn cơ hơn, lâu dài và bền vững hơn thì vẫn phải là cải cách thể chế, tạo được môi trường cho sản xuất kinh doanh; phải có chính sách để DN Việt Nam phát triển mạnh, hình thành nhiều hơn những DN lớn.

Cũng cùng quan điểm không thỏa mãn, chủ quan và cải cách thể chế mạnh hơn nữa, TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói rằng, những gì đạt được trong năm 2020 quả là đáng tự hào, nhưng nhìn lại chất lượng và năng lực cạnh tranh, cơ cấu kinh tế vẫn đang là vấn đề. DN Việt Nam vẫn chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhấn mạnh “phải làm sao để có được những con đại bàng Việt Nam”, ông cho rằng, cần phải xác định được và khắc phục những yếu tố đang cản trở DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là năng lực của DN hay do thể chế chính sách.

“Năm 2021 vẫn đầy rẫy rủi ro, không đoán định được. Phải rà soát xem các trụ cột, những yếu tố tạo nên kết quả tốt năm 2020 là gì, trong đó những trụ cột nào, yếu tố nào sẽ tạo nên thành công trong năm 2021 để có thể tiếp tục duy trì nó, đẩy mạnh thêm…”, TS. Bùi Quang Tuấn nói.

Thành công của năm 2020, theo TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, được tạo nên từ các yếu tố chính. Thứ nhất là yếu tố nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế. “Có thể nói, kinh tế vĩ mô dù còn nhiều khó khăn trắc trở song rõ ràng mạnh hơn nhiều so với trước, từ ngân sách, hệ thống tài chính - ngân hàng, dự trữ ngoại tệ… Bên cạnh đó tiết kiệm của kinh tế Việt Nam tốt, nhất là tầng lớp trung lưu. Tiết kiệm là bệ đỡ trong giai đoạn khó khăn”, TS.Võ Trí Thành nói.

Yếu tố thứ hai là Việt Nam khống chế dịch thành công. Yếu tố thứ ba là sự chuyển đổi linh hoạt, sự vượt khó của DN và người dân. Theo đó, trong bối cảnh khó khăn, đã có hơn 30% DN đã đầu tư cho công nghệ đặc biệt là công nghệ số, thương mại điện tử…; sự kết nối và hợp tác của DN cũng tốt lên rất nhiều.

Tạo đà phục hồi

“Khái quát về thế giới và Việt Nam năm 2020 ta có từ Vượt khó và từ khái quát cho năm 2021 là Phục hồi”, TS.Võ Trí Thành nói. Tuy nhiên, điều mà giới chuyên gia quan tâm và luận bàn là Việt Nam sẽ phục hồi như thế nào sau đại dịch, làm thế nào để phục hồi nhanh hơn, tốt hơn trong năm 2021 khi mà thế giới vẫn đầy bất định và Covid-19 vẫn là biến số.

Theo TS.Võ Trí Thành gắn với từ Phục hồi là 3 ưu tiên: Đó là cải cách cơ cấu thương mại và đầu tư; Đó là phát triển bền vững, phát triển xanh, phát triển bao trùm; Đó là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, sự phục hồi của Việt Nam trong bối cảnh phục hồi của thế giới đi liền với 3 vấn đề: Đó là sự phục hồi không đồng đều; Phục hồi trong thay đổi; Phục hồi trong bất định và rủi ro đến từ tài chính, nợ nần toàn cầu gia tăng mạnh.

Nói về khả năng tăng trưởng kinh tế năm 2021, TS.Võ Trí Thành cho rằng, “6% hay 6,5% ở đây không phải là con số đơn thuần mà đằng sau là chất lượng tăng trưởng thế nào, cải cách ra sao, tăng trưởng phải thích ứng với xu thế mới, lối sống và cách tiêu dùng xanh, bền vững; tăng trưởng gắn với quản trị rủi ro bất định trong một thế giới còn nhiều điều khó lường”.

Góp thêm lời khuyến nghị chính sách cho năm 2021, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho rằng, cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế, hệ thống pháp lý nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong bối cảnh “bình thường mới”. Các nỗ lực này không tách rời, mà là một phần tiên quyết ngay trong kế hoạch phục hồi kinh tế của Việt Nam. “Đại dịch Covid-19 là một lời “cảnh tỉnh” quan trọng để Việt Nam lưu tâm hơn tới các cải cách đủ chất lượng cho phát triển bền vững”, ông Dương nhấn mạnh.

Đổi mới thể chế, vẫn là những cụm từ mà các chuyên gia luôn nói đến mỗi khi nói về sự phát triển của đất nước, sự phục hồi của nền kinh tế. “Có thể chế tốt là có môi trường kinh doanh tốt, đầu tư công cũng tốt, khoa học công nghệ cũng tốt, theo đó DN phát triển tốt, nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tốt. Nếu thể chế không tốt thì dù những thứ khác có tốt cũng không phát huy được", TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM phát biểu.

2 kịch bản tăng trưởng năm 2021 của CIEM:

Kịch bản lạc quan: GDP tăng 6,46%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5,06%; thặng dư thương mại ở mức 7,24 tỷ USD; lạm phát bình quân năm tăng 3,78%. Kịch bản này chỉ có thể đạt được với nỗ lực cao.

Kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn: GDP tăng 5,98%; kim ngạch xuất khẩu tăng 4,23%; thặng dư thương mại 5,49 tỷ USD; lạm phát bình quân năm tăng 3,51%.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/the-che-tot-la-nen-tang-quan-trong-nhat-111089.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.