Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia kinh tế hàng đầu về vấn đề này.
GS.TS.Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân:
Mô hình của ngành mới, lĩnh vực mới, kinh tế số
![]() |
GS.TS.Trần Thọ Đạt |
Nhìn lại các lý thuyết về tăng trưởng kinh tế hiện đại và thực tiễn tăng trưởng của các con Rồng châu Á có thể thấy, mỗi nước lại có con đường và mô hình riêng để hiện đại hóa nền kinh tế, đạt mức tăng trưởng cao và liên tục trong nhiều năm. Vai trò của Nhà nước trong quá trình này cũng rất khác nhau và không giống nhau trong các giai đoạn phát triển của từng nước. Tuy nhiên, nhìn chung đó là quá trình chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào các yếu tố đầu vào truyền thống là vốn, lao động… sang sử dụng ngày càng nhiều các yếu tố như vốn con người, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Có thể nói, mô hình tăng trưởng mới đã được gợi mở, đó là tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là đẩy mạnh đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính phủ số...
Hiện tại, phần lớn DN Việt Nam, đặc biệt là DN tư nhân đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới. Đầu tư R&D (ở cả phạm vi quốc gia và của khu vực DN) đều ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, thậm chí còn có xu hướng giảm dần về tỷ lệ.
Ngay cả FDI - vốn được coi là nguồn đầu tư mang lại yếu tố học hỏi về mặt công nghệ, tác phong làm việc, kỹ năng và tay nghề chuyên môn - thực tế cũng không mang lại hiệu quả do các địa phương quá chú trọng vào thu hút số lượng trong khi xem nhẹ chất lượng. Hơn thế, mối liên kết yếu ớt giữa hai khu vực DN trong và ngoài nước cũng cản trở sự nắm bắt cơ hội nâng cao năng lực công nghệ.
Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, khai thác các nguồn lực sẵn có, không có những đòi hỏi khắt khe về trình độ và ý thức người lao động, đã khiến cho chúng ta chưa học hỏi và cải thiện được nhiều về năng lực quản trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc của các DN trong nước để giúp Việt Nam tránh được “bẫy gia công lắp ráp” (một mức thấp của bẫy thu nhập trung bình).
Do vậy, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng trưởng dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo… là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay; trong đó, kinh tế số cần được xem là ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên 4.0.
Trong vai trò dẫn dắt phát triển của kinh tế số, có hai nhiệm vụ quan trọng là chiến lược phát triển kinh tế số và quản lý nhà nước về kinh tế số. Nhà nước cần là một bên tham gia “chủ động và đi đầu”, một người dùng tiên phong trong nền kinh tế số quốc gia. Việt Nam với một nền kinh tế năng động và dễ thích ứng, và với lợi thế của người đi sau sẽ có cơ hội có thể “đi tắt, đón đầu” trong việc chuyển đổi thành công từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số.
TS.Nguyễn Đình Cung - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng:
Áp lực vượt qua trạng thái dừng
![]() |
TS.Nguyễn Đình Cung |
Trong khi chúng ta chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi, chưa giải quyết được điểm yếu quyết tử thì các vấn đề mới đã xuất hiện, đó là CMCN 4.0; là kinh tế số, chuyển đổi số. Như vậy chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay không chỉ là giải quyết vấn đề hiệu quả mà còn phải giải quyết những vấn đề mới, xu hướng mới của thập kỷ CMCN 4.0 và kinh tế số.
Nhìn lại một nhiệm kỳ qua, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhưng tổng thể lại tái cơ cấu kinh tế vẫn chưa đạt mục tiêu, vẫn chưa có được mô hình tăng trưởng mới vì chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nhưng lại tách rời với mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong khi đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế không phải là 2 vấn đề khác nhau và tách rời nhau. Tái cơ cấu nền kinh tế phải đạt được kết quả là đổi mới mô hình tăng trưởng.
Theo cách phân đoạn của Diễn đàn Kinh tế thế giới, quá trình phát triển gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào tài nguyên, vào nhân lực giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên và vốn. Giai đoạn 2 là dựa vào nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, trọng tâm là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Giai đoạn 3 là tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo. Cho dù giai đoạn nào cũng cần đổi mới sáng tạo nhưng ở giai đoạn 3 đổi mới sáng tạo là trọng tâm.
Tuy nhiên nhìn lại quá trình phát triển, thì sau cả một quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, chúng ta vẫn dừng ở khúc cuối của giai đoạn 1, chưa sang nổi giai đoạn 2.
Nguyên nhân do trong quá trình thực hiện, tái cơ cấu kinh tế đã bị tách ra khỏi mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng và đang làm theo cách hành chính hóa và áp đặt theo cách chủ quan áp đặt tỷ trọng ngành nào lĩnh vực nào sẽ có tỷ trọng bao nhiêu trong nền kinh tế và tái cơ cấu để đạt được tỷ trọng đó. Đó không phải là cách làm để đổi mới mô hình tăng trưởng và làm như thế sẽ không đổi mới được mô hình tăng trưởng.
Điểm yếu cốt tử nhất cốt lõi nhất đó là một nền kinh tế kém hiệu quả và kém năng lực cạnh tranh. Tái cơ cấu để chuyển đổi mô hình tăng trưởng phải nhìn vào điểm yếu cốt lõi nhất của nền kinh tế và giải quyết vấn đề đó trong thời hạn tương đối ngắn. Tăng trưởng suy giảm, nguồn lực kém hiệu quả do phân bổ nguồn lực sai lệch do nguồn lực do Nhà nước phân bổ không theo nguyên tắc hiệu quả mà theo nguyên tắc công bằng dẫn đến xin cho và thực tế là mất công bằng.
Chúng ta đang bước vào một trạng thái mới, một giai đoạn thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội mới, và bước vào một thập kỷ mới – thập kỷ của CMCN 4.0 và kinh tế số, chuyển đổi số. Vì thế áp lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng đang rất mạnh.
Muốn đổi mới mô hình tăng trưởng không thể bằng lời nói, bằng tuyên ngôn mà phải thực chất bằng đổi mới tư duy và đổi mới thể chế; thị trường và thị trường hơn. Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, để đạt được tốc độ tăng trưởng cao, để vượt qua trạng thái dừng và thoát bẫy thu nhập trung bình. Nguồn lực phải được phân bổ nguồn lực theo hiệu quả sử dụng, theo thị trường.
Nếu không làm được như thế thì 10 năm sau chúng ta vẫn ở trong giai đoạn này và nguy cơ thập kỷ tới đây có khi không đạt được tốc độ tăng trưởng 5,9% như giai đoạn này và sẽ không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình đang hiện hữu.
Hiệu quả sử dụng nguồn lực của Việt Nam mà đạt được như Hàn Quốc hay Đài Loan ở cùng giai đoạn phát triển thì với nguồn vốn đầu tư huy động được vào khoảng 35% -36% GDP thì đã đạt được mức tăng trưởng tới 9%-10% chứ không phải ở mức 6%-6,5% như hiện nay. Và suốt cả thập kỷ vừa qua, tăng trưởng của chúng ta chỉ đạt 5,9% và tốc độ tăng trưởng đã suy giảm so với giai đoạn trước.
TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia:
Mô hình tăng trưởng đã đạt tới đỉnh
![]() |
TS. Trương Văn Phước |
Khi nhận định về Việt Nam, Giáo sư Michael Porter - cha đẻ của lý thuyết lợi thế cạnh tranhcủa các quốc gia đã nói: “Mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã đạt tới đỉnh. Nếu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng dựa vào mở rộng quy mô vốn, sử dụng nguồn nhân công giá rẻ với tay nghề thấp và giá trị gia tăng trong hàng hóa xuất khẩu thấp sẽ dẫn tới không thể cạnh tranh, và nền kinh tế sẽ gặp nhiều rủi ro trong tương lai”.
Chúng ta đã sớm nhận ra điều Giáo sư Michael Porter nói và trong cả thập kỷ qua chúng ta đã và đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chúng ta đang chuyển mô hình tăng trưởng từ chiều rộng qua chiều sâu để nâng cao năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) để có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.
Thế nhưng trong thập kỷ mới, đâu là mô hình tăng trưởng tối ưu cho Việt Nam? Các mô hình tăng trưởng kinh tế ngày nay đều coi trọng vai trò của đổi mới sáng tạo trước những thành tựu của khoa học công nghệ. Trong khi ở Việt Nam, mức độ đóng góp của khoa học công nghệ đối với nền kinh tế vẫn còn rất thấp, vẫn đứng quanh mức 100 trong gần 150 quốc gia khảo sát.
Năng suất lao động của Việt Nam cũng đang ở mức thấp (thấp hơn từ 2 lần so với Philippines, 14 lần so với Singapore) do các ngành kinh tế của nước ta về cơ bản ít sử dụng tri thức, khoa học, công nghệ, lao động có kỹ năng, các ngành nghề dựa vào các ngành thâm dụng vốn... Trong khi các nền kinh tế phát triển đều dựa vào năng suất lao động để có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Bởi vậy, chậm nâng cao năng suất lao động đồng nghĩa với việc làm tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Đây là những khó khăn, thách thức Việt Nam cần phải vượt qua nếu muốn đổi mới mô hình tăng trưởng có hiệu quả. Đổi mới mô hình tăng trưởng đang là yêu cầu cấp thiết trong thập kỷ CMCN 4.0 này. Với thành quả của CMCN 4.0, Việt Nam có nhiều điều kiện để có thể tiếp cận công nghệ kỹ thuật số, nền kinh tế số. Nó cho phép Việt Nam có các nhà máy thông minh, sản phẩm thông minh, chuỗi cung ứng thông minh đáp ứng nhu cầu của khách hàng linh hoạt và hiệu quả hơn. Hiện thực hóa các yêu cầu đòi hỏi này trong 5 năm, 10 năm tới bằng các chính sách cụ thể, mang tính khả thi sẽ là một cuộc đổi mới thực chất tạo cú huých cho năng suất lao động gia tăng đột biến, cũng như mô hình tăng trưởng được đổi mới một các căn bản, thực chất.
Chọn mô hình tăng trưởng kinh tế mới nào cho Việt Nam, cuối cùng phải bảo đảm được mục tiêu kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, bền vững, đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giải quyết tốt các vấn đề về xã hội và môi trường, ứng phó hiệu quả trước những cú sốc nhiều mặt từ bên ngoài.
Để đạt đến thành công của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng cần thực hiện hệ thống các giải pháp sau:
Trước hết, cần thể chế hóa khá cụ thể các yêu cầu mục tiêu đặt ra từ các nội hàm đổi mới của mô hình tăng trưởng. Đặc biệt chú trọng vai trò của đổi mới sáng tạo và hoạt động khoa học công nghệ nhằm từng bước đưa nền kinh tế nước ta chuyển đổi sang nền kinh tế số.
Tiếp đến, cần thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là vấn đề đã được đặt ra từ lâu nhưng thực chất việc triển khai thực hiện do gặp phải nhiều khó khăn, nên tiến hành còn rất chậm. Để mô hình tăng trưởng mới phát huy tác dụng thì các cải cách về đầu tư công, về doanh nghiệp Nhà nước, về thị trường tài chính, trong đó có các vấn đề về tài khóa và tiền tệ cần được đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.
Cuối cùng, cải cách hành chính theo hướng triệt để, quyết liệt nhưng phải hiệu quả hơn. Quan điểm giữa “cấm và cho” cần được dứt khoát trong tinh thần của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Pháp luật nên quy định rõ những gì các chủ thể không được làm, thay vì chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.
Trước bao nhiêu thách thức của biến động chính trị, kinh tế thế giới, đặc biệt là đại dịch Covid-19, Việt Nam đã cho thế giới thấy sức mạnh kiên cường, bền bỉ của một đất nước. Và điều đó tự thân nó như một lời cổ vũ mạnh mẽ cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hướng tới sự thành công của một chương mới trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước huy hoàng hơn, chói lọi hơn.
Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Quyết tâm bứt phá để đạt được khát vọng thịnh vượng
![]() |
Ông Trần Quốc Phương |
Năm mới 2021 - năm mở đầu cho một nhiệm kỳ mới và một giai đoạn phát triển mới bắt đầu, một khởi động tốt sẽ rút ngắn thời gian hiện thực hóa khát vọng quốc gia thịnh vượng, quốc gia có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia có mức thu nhập cao vào năm 2045.
Để đạt được mục tiêu khát vọng này, chúng ta cần đặt mình trong trạng thái hối thúc, quyết tâm tạo sự bứt phá mạnh mẽ toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là bứt phá trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhìn lại giai đoạn 2016-2020, kết quả cơ cấu lại nền kinh tế đã có bước tiến bộ, thực chất hơn trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ theo hướng nâng cao dần giá trị trên nền tảng ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Mô hình tăng trưởng đổi mới, chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần phụ thuộc vào gia tăng khai thác tài nguyên, tăng nhanh hàm lượng chế biến chế tạo. Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện, nhất là năng suất lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), hiệu quả đầu tư (ICOR) không ngừng có sự chuyển biến tích cực. Sức cạnh tranh cũng như khả năng chống chịu của nền kinh tế dần được củng cố, thể hiện rõ nét nhất là kết quả tăng trưởng kinh tế rất tích cực năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, chúng ta chưa thể hài lòng với những gì đã đạt được, bởi để đạt được mục tiêu khát vọng nêu trên thì kết quả cơ cấu lại nền kinh tế cần phải to lớn hơn nữa, thực chất hơn nữa; tốc độ phải nhanh hơn nữa, không còn là đuổi kịp mà phải vượt lên.
Cuộc CMCN 4.0 vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, ngày càng sâu rộng trên toàn cầu và trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, là cơ hội để đẩy nhanh hơn, mạnh hơn, thực chất hơn nữa quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Bởi vậy đẩy mạnh số hóa nền kinh tế ngay từ năm 2021 sẽ là cú hích có tác động lan tỏa, dây chuyền để đẩy nhanh tiến độ và tạo đột phá trong cơ cấu lại nền kinh tế, qua đó, mục tiêu khát vọng thịnh vượng sẽ dần trở thành hiện thực.
Để tạo sự bứt phá và thực chất hơn nữa trong cơ cấu lại nền kinh tế, không đâu xa, đó chính là tạo sự bứt phá trong việc thực hiện 3 đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021-2025.
Trong đột phá về thể chế, hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế pháp luật là yếu tố nền tảng, then chốt để kiến tạo môi trường pháp lý, môi trường đầu tư, kinh doanh có tính cạnh tranh vượt trội.
Trong đột phá về hạ tầng, trọng tâm nhất là phải tạo cho được đột phá về hạ tầng giao thông các loại hình, đặc biệt là giao thông trục chính, giao thông tốc độ cao, giao thông kết nối vùng, kết nối các trung tâm kinh tế, kết nối với hạ tầng cảng biển, cảng hàng không, các khu kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm. Hạ tầng giao thông tốt sẽ giúp làm giảm các chi phí về thời gian, logistics, tăng nhanh vận tải khối lượng lớn...
Trong đột phá về nguồn nhân lực, nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài luôn là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhưng cái đầu tiên và phải làm ngay chính là phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; là chuyển đổi số; là đổi mới sáng tạo; là xây dựng, quy tụ, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ nhân tài; là nâng cao giá trị văn hóa, thể lực, trí lực con người Việt Nam gắn với truyền thống và niềm tự hào dân tộc... Đây đều là những đột phá để tận dụng hiệu quả thời gian ít ỏi còn lại của thời kỳ “dân số vàng” trước khi chúng ta bước vào giai đoạn già hóa dân số.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/mo-hinh-tang-truong-trong-ky-nguyen-40-111062.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.