Nghệ thuật truyền thống giao duyên với điện ảnh
12:03 | 06/01/2021
Trên thế giới hiếm có quốc gia nào có sự đa dạng các loại hình văn nghệ dân gian có diễn xướng như ở Việt Nam. Chính vì thế những người làm điện ảnh đã nắm bắt được ưu thế đó để làm giàu cho ngôn ngữ và tính biểu cảm của điện ảnh, qua đó cũng là bảo tồn và lan tỏa những giá trị của nghệ thuật, văn hóa truyền thống đến với khán giả ngày nay.
Thực tế, phim tài liệu, phim truyền hình, phim chiếu rạp... đã đem đến cho công chúng những cảm xúc, góc nhìn về nghệ thuật truyền thống thông qua lăng kính điện ảnh từ nhiều năm qua. “Đến hẹn lại lên” là một trong những bộ phim kinh điển của đạo diễn Trần Vũ, ra đời từ năm 1975, kể về câu chuyện tình duyên trắc trở của một cô gái quan họ vùng Kinh Bắc trước Cách mạng Tháng Tám. Trong phim này, không gian sinh hoạt văn hóa mang tính đặc trưng của vùng quan họ trở thành địa điểm để đạo diễn kể ra câu chuyện tình yêu của nhân vật Nết và Chi. Hình thức hát quan họ giao duyên của vùng Kinh Bắc vừa là đời sống thực tế của nhân vật vừa là không gian có tính biểu tượng cho tình yêu trắc trở và đầy vấn vương. Từ tiếng hát quan họ dịu dàng, e lệ lúc còn trẻ cho đến sự đằm thắm, trưởng thành sau bao năm xa cách người yêu của cô Nết đã miêu tả được sự trôi chảy của thời gian và sự hữu hạn của con người. Bộ phim đó giới thiệu di sản quan họ ở nước ta từ khá sớm.
![]() |
Phút thăng hoa của nghệ sĩ Phương Ánh cùng cải lương tuồng cổ trong phim tài liệu “Đoạn trường vinh hoa” |
Trong phim “Bao giờ cho đến tháng mười”, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã cho nhân vật Duyên diễn chèo. Khi nhập vai Thị Phương trong vở chèo Trương Viên, Duyên phải nuôi những cảm xúc, hát những câu từ gần giống với tình cảnh hiện tại của mình. Lúc này, những xúc cảm thật đã lấn át ý thức đóng giả người khác làm cho cô mất kiểm soát. Duyên chạy khỏi sân khấu để trốn tránh những ánh nhìn dò xét, nhưng lớn hơn là để vượt qua mọi sự kiềm tỏa để được khóc, được đau khổ vì sự mất mát quá lớn của mình. Có lẽ trong cả bộ phim, đây là trường đoạn gây xúc động mạnh nhất với khán giả, vì nó diễn tả chân thực sự hy sinh của người phụ nữ Việt trong hoàn cảnh chiến tranh.
Phim truyền hình “Đất phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn còn cho cả một gánh hát cải lương đúng “chất” gánh hát truyền thống vào phim, mà diễn viên cũng là diễn viên cải lương ngoài đời, tạo hiệu ứng cho phim thành công nhất định. Bên cạnh đó, phim truyền hình “Thương nhớ ở ai” (đạo diễn Lưu Trọng Ninh), ngoài nội dung chính khắc họa số phận bi kịch của những phụ nữ nông thôn thời hậu chiến, nhân vật Nương (Thanh Hương thủ vai) gây ấn tượng mạnh với những phân cảnh hát ca trù, xẩm và hát ru.
Đặc biệt gần đây, bộ phim tài liệu Đoạn trường vinh hoa (đạo diễn Lê Mỹ Cường và Thanh Nguyễn) do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện trong hơn 1 năm đã được đem ra chiếu tại các cụm rạp của BHD Star. Nhiều khán giả chia sẻ, Đoạn trường vinh hoa là phim tài liệu gây xúc động mạnh vì cho thấy những hỉ - nộ - ái - ố của những con người theo đuổi nghệ thuật truyền thống trong đời sống đương đại.
Đoạn trường vinh hoa kể về hành trình một gánh cải lương tuồng cổ của nữ nghệ sĩ Phương Ánh (nhân vật chính) còn sót lại rong ruổi qua những đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trên ánh đèn sân khấu hoa lệ, họ là những ông hoàng bà chúa nhưng cũng là những người lao động chân lấm tay bùn, chật vật với đời sống mưu sinh khi bức màn nhung sân khấu hạ xuống. Lênh đênh dọc ngang theo kênh nước miền Tây, gánh cải lương của nghệ sĩ Phương Ánh trải qua không ít thăng trầm. Tưởng chừng, ánh hào quang sẽ đến bên gánh cải lương dày dặn kinh nghiệm, lâu năm ấy, nhưng thực chất, chén cơm manh áo khiến cho họ chật vật để giữ được ước mơ với nghệ thuật tuồng cổ này.
Họa mặt, làm phục trang, chuẩn bị đạo cụ, thiết kế sân khấu… tất tần tật, mỗi nghệ sĩ đều thành thạo như một chuyên viên chuyên nghiệp của các ê-kíp diễn hiện đại. Chỉ cần bước ra sân khấu, họ như những nhân vật hào sảng bước ra từ những câu hát chứ không phải là người vừa mới xắn tay áo, gấu quần để chạy từng bữa cơm đạm bạc, những giấc ngủ vội khi chưa kịp tẩy trang. Dù bao gian khó, tình yêu với những câu hát cải lương, nghệ thuật bao đời ấy vẫn khó ai thay thế được.
Trước đó, bộ phim chiếu rạp “Sài Gòn anh yêu em” của đạo diễn Lý Minh Thắng đề cập đến 5 câu chuyện đặc trưng Sài Gòn, trong đó có câu chuyện về một cặp vợ chồng nghệ sĩ cải lương gạo cội luôn vun vén và giữ gìn bộ môn nghệ thuật này trong dòng chảy xô bồ của cuộc sống. Một phần đời sống cải lương đã được phục dựng và tái hiện trên phim tinh tế tới từng chi tiết từ cách người nghệ sĩ chuẩn bị hóa trang, phục trang cho tới cách họ luyện thanh và trình diễn… đã giúp cho “Sài Gòn anh yêu em” có màu sắc rất riêng, độc đáo và mang dấu ấn rất Sài Gòn trên màn ảnh nhỏ.
Khôi Nguyên