PMI tăng trở lại mức 51,7 điểm trong tháng 12

Với sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều tăng, PMI lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng cuối năm 2020 đã quay trở lại vùng tăng trưởng, sau khi đột ngột nằm trong vùng tiêu cực do chịu ảnh hưởng của bão lụt trong tháng 11, theo dữ liệu vừa được IHS Markit công bố.
pmi tang tro lai muc 517 diem trong thang 12

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam tăng từ 49,9 điểm của tháng 11 lên 51,7 trong tháng 12 và đạt mức ngang bằng với tháng 10. Đây là lần cải thiện thứ ba trong bốn tháng qua.

“Dữ liệu PMI cho thấy lĩnh vực sản xuất Việt Nam có dấu hiệu tích cực vào thời điểm cuối năm 2020, khi ảnh hưởng tạm thời từ bão lụt trong tháng 11 đã đi qua và mở đường cho tăng trưởng sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm trong tháng 12”, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, nói.

Kết quả là, PMI trung bình trong quý IV/2020 là cao nhất trong năm. “Nó cho thấy động lực tăng đang hình thành khi bước vào năm 2021”, Andrew Harker bình luận.

pmi tang tro lai muc 517 diem trong thang 12

Số lượng đơn đặt hàng mới là yếu tố chính dẫn đến tăng sản lượng. Theo đó, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng tháng thứ tư liên tiếp và với mức độ mạnh và nhanh hơn tháng 11. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết nhu cầu khách hàng đã cải thiện. Nhu cầu cũng tăng ở các thị trường quốc tế vào thời điểm cuối năm.

Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên trong ba tháng. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng khiến yêu cầu sản xuất tăng, từ đó khuyến khích các công ty tăng số lượng nhân công. Việc làm trong tháng 12 tăng nhẹ lần thứ hai trong ba tháng.

Sản lượng và lực lượng lao động tăng khiến các công ty có thể giảm lượng công việc tồn đọng, và mức giảm lần này là lớn nhất kể từ tháng 8.

Phù hợp với tình hình sản lượng và việc làm, hoạt động mua hàng cũng tăng trở lại trong tháng 12.

Tuy nhiên, vấn đề chính cản trở tăng trưởng hiện nay có vẻ như là sự gián đoạn nghiêm trọng của chuỗi cung ứng, mà nguyên nhân được cho là do đại dịch.

“Các công ty gặp khó khăn trong khâu mua nguyên vật liệu, đặc biệt là từ nước ngoài. Từ đó, giá cả tăng mạnh, với chi phí đầu vào tăng lên mức cao nhất trong hai năm rưỡi”, Andrew Harker cho biết.

Tình trạng khan hiếm và gián đoạn nguồn cung do dịch COVID-19 và những khó khăn trong khâu nhập khẩu nguyên vật liệu khiến thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài đáng kể. Trên thực tế, thời gian giao hàng tăng nhiều nhất kể từ lúc đỉnh điểm của đại dịch diễn ra vào tháng 4.

Những khó khăn trong việc nhập nguyên vật liệu thô này đã góp phần làm giá cả đầu vào tăng mạnh. Hơn nữa, tốc độ tăng chi phí đầu vào đã nhanh hơn tháng thứ tư liên tiếp và là nhanh nhất trong hai năm rưỡi.

Giá cả đầu ra cũng tăng nhanh hơn trong tháng 12, mặc dù mức tăng vẫn yếu hơn nhiều so với chi phí đầu vào. Giá bán hàng đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2018.

Bất kể những khó khăn về nguyên vật liệu, các nhà sản xuất Việt Nam vẫn có thể tăng nhẹ tồn kho hàng mua. Mặt khác, tồn kho hàng thành phẩm đã giảm khi các công ty sử dụng hàng hóa trong kho để đáp ứng các đơn hàng mới.

Các nhà sản xuất vẫn tin tưởng rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới, khi một số người trả lời khảo sát dự kiến đại dịch COVID-19 sẽ gây thiệt hại ít hơn. Các báo cáo cho thấy điều này sẽ đặc biệt đúng đối với nhu cầu xuất khẩu khi đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm 2020.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/pmi-tang-tro-lai-muc-517-diem-trong-thang-12-110578.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.