![]() | Thịt lợn vẫn “neo” ở giá cao |
![]() | Để đáp ứng nhu cầu thịt lợn trong nước |
![]() | Đẩy nhanh việc tái đàn lợn một cách bền vững |
![]() |
Tết Dương Lịch 2021, giá thịt lợn tăng nhẹ trên cả nước |
Theo tìm hiểu của phóng viên thoibaonganhang.vn trong ba ngày nghỉ của dịp Tết Dương lịch, giá thịt lợn ở khu vực phía Bắc có mức tăng từ 2.000-5.000 đồng/kg so với đợt trước Tết. Nếu như ngày 25/12/2020 giá thịt lợn đang ở mức 72.000-76.000 đồng/kg thì đến ngày đầu tiên của năm mới đã đạt mức 77.000-80.000 đồng/kg. Mức giá này đang được duy trì trong suốt những ngày tiếp theo. Đặc biệt, tại khu vực phía Nam, trung bình mỗi ngày giá ở một số địa phương nhích nhẹ 1.000 đồng/kg.
Với lý do khan hàng, thiếu nguồn cung, nhu cầu tăng cao… một số hệ thống siêu thị vẫn giữ nguyên mức tăng 10-30% tuỳ loại. Chẳng hạn, sườn non 290.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn 270.000 đồng/kg, ba chỉ lợn 220.000 đồng/kg... Còn tại các chợ đầu mối giá thịt lợn tăng nhẹ và bán ở mức thấp hơn các siêu thị, trung tâm thương mại, giá bán phổ biến chỉ từ 93.000-200.000 đồng/kg tùy loại.
Điều đáng quan tâm là diễn biến thị trường những ngày qua lại khác với các dự báo về giá thịt lợn Tết trước đó. Theo đó, các ý kiến đều cho rằng, giá lợn hơi sẽ ổn định, khó có thể tăng nóng do nguồn cung dồi dào.
Trả lời báo chí chiều 29/12/2020, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, giá thịt lợn Tết Tân Sửu sẽ không tăng mạnh như tết năm trước. Bởi, so đầu năm thì lượng lợn tái đàn tăng 29% và sản lượng thực phẩm khác thay thế như gà, bò, tôm, cá tăng mạnh, dự báo thị trường ổn định giá, không gây thiếu hụt tăng giá "nóng".
Bên cạnh đó, thông tin từ các doanh nghiệp chăn nuôi cho biết, lượng lợn từ các đơn vị này tăng khá mạnh, từ 10%-20%, thậm chí nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có lượng chăn nuôi tăng gần gấp đôi so với thời điểm trước dịch tả lợn châu Phi.
Chẳng hạn, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam có lượng lợn thịt tăng khoảng 10%. Mỗi ngày doanh nghiệp này cung cấp ra thị trường từ 16.000-17.000 con lợn thịt, trong khi trước đó chỉ có 15.000-16.000 con/ngày. Còn Công ty TNHH CJ Vina Agri mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 4.500 con, tăng khoảng 30% so với trước.
Lý giải sự tăng nhẹ giá thịt lợn trong những ngày qua, các chuyên gia nhận định, thị trường đã xuất hiện nhiều yếu tố "đẩy" giá khác, khiến thịt lợn không thể giữ giá ổn định như những dự báo trước đó.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá lợn hơi có dấu hiệu "nóng" trở lại, dù các doanh nghiệp chăn nuôi tích cực tái đàn và tăng đàn nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu tăng mạnh vào mùa chuẩn bị nguồn thực phẩm Tết. Đây là thời điểm nhu cầu cho tiêu thụ và chế biến tăng.
Bên cạnh đó, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, trung bình năm 2020, giá thịt lợn tăng khoảng 50% so với năm trước và đóng góp 1,94% vào mức tăng 3,23% của CPI. Hồi đầu năm, có thời điểm mặt hàng này đẩy CPI tăng hơn 6,4%. Các giải pháp đồng bộ được thực hiện, bao gồm cả việc nhập lợn sống từ các thị trường khác như Thái Lan đã phần nào giúp hạ nhiệt thị trường trong nước.
Tuy nhiên, đến nay, giá thịt lợn Thái Lan - một trong những giải pháp hạ nhiệt giá thịt lợn trong nước đã tăng giá. "Do ảnh hưởng COVID-19, Campuchia không cho phép lợn Thái Lan quá cảnh để về Việt Nam như trước, các doanh nghiệp nhập khẩu lợn Thái Lan chỉ còn một đường về là qua Lào nên số lượng không dồi dào như trước. Đối với thịt heo đông lạnh nhập khẩu, hiện lượng hàng về cũng giảm vì thiếu container rỗng. Vì vậy, nguồn nhập về Việt Nam giảm so với trước đây khiến nguồn cung ra thị trường giảm.", ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam chia sẻ.
Đặc biệt, theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, không chỉ riêng thịt lợn mà các loại thực phẩm hàng hóa khác cũng có sự chênh lệch giá khi đến tay người tiêu dùng. Sự chênh lệch này chủ yếu là do các khâu trung gian “ăn quá dày” làm đội giá thực phẩm. Chỉ cần mỗi khâu trung gian “ăn” 10%, nếu qua cả chục “khâu”, thì khi đến tay người mua giá lên 200-300% là “chuyện bình thường”. “Thậm chí, có những siêu thị còn ép nhà cung cấp mức chiết khấu tới 25% mới cho hàng lên kệ thì làm sao sản phẩm có thể rẻ", ông Phú lo ngại.
Được biết, từ nay đến dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, các sở, ngành địa phương đã chuẩn bị nhiều phương án để ổn định giá thịt lợn. Đơn cử, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sẽ tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường cũng như tình hình dịch COVID-19 để kịp thời điều tiết cung cầu hàng hóa phục vụ nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng tăng giá đột biến.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội để rà soát, đánh giá xác định cụ thể cung mặt hàng có nguy cơ mất cân đối cung cầu do dịch bệnh như thịt lợn, thịt bò. Qua việc đánh giá lượng hàng hóa còn thiếu hoặc có thể xảy ra thiếu để triển khai các giải pháp, phương án khai thác nguồn hàng, đảm bảo nguồn cung mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán 2021.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý và điều phối thị trường, người tiêu dùng kỳ vọng, giá thịt lợn sẽ được kiểm soát, chí ít là giữ được mức giá như hiện nay.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/lo-gia-thit-lon-nong-dip-tet-nguyen-dan-tan-suu-110577.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.