Trợ lực cho hạ tầng thanh toán dịch vụ công trực tuyến

Trong Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công (Đề án 241) qua Cổng Dịch vụ công quốc gia đã chính thức được đưa vào vận hành hai năm nay. Cổng Dịch vụ công quốc gia vừa sơ kết một năm hoạt động đã có 2.700 dịch vụ công được tích hợp, trên 719.000 hồ sơ trực tuyến và hơn 46.000 giao dịch thanh toán điện tử đã được thực hiện.
tro luc cho ha tang thanh toan dich vu cong truc tuyen Gia tăng sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán online trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia

Thiếu quy chế trả phí cho ngân hàng

Ở cấp độ quốc gia, có thể nhìn nhận hầu hết các bộ, ngành đều đã vào cuộc triển khai Đề án 241 với sự tham gia tích cực của những đơn vị lớn trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai ở nhiều địa phương vẫn đang xuất hiện nhiều vướng mắc, nhất là những vấn đề liên quan đến kinh phí đầu tư.

Chẳng hạn, theo quy định tại Thông tư 136/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính (có hiệu lực từ ngày 1/4/2019), các khoản chi về phí dịch vụ thanh toán trả cho ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được xác định là khoản chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, văn bản này cũng bắt buộc các đơn vị sự nghiệp công phải chi khoản phí này phù hợp với quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Do không có hướng dẫn cụ thể nên các cơ quan, đơn vị tỏ ra băn khoăn khi hợp tác với các ngân hàng để triển khai thanh toán trực tuyến dịch vụ công, đặc biệt là các trường học và các công ty cung cấp nước sạch.

tro luc cho ha tang thanh toan dich vu cong truc tuyen
Trong năm 2020 các ngân hàng và ví điện tử miễn phí thanh toán dịch vụ công cấp độ 4

Từ phía các NHTM, ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB cho rằng, để đầu tư một gói hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho các trường học, bệnh viện thường phải tốn kém khoảng 30-100 triệu đồng với thời gian hoàn thành khoảng 5-6 tháng. Hầu hết ngân sách của các đơn vị sự nghiệp công đều không có kế hoạch dự toán cho phần kinh phí này, nên các ngân hàng đều phải trực tiếp đầu tư như một chiến lược mở rộng khai thác thị trường thanh toán. “Với nguồn kinh phí giới hạn, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi mở rộng các mô hình thanh toán không tiền mặt tại nhiều trường học, bệnh viện, doanh nghiệp… nếu không được ngân sách hỗ trợ”, ông Phát nhận định.

Tương tự tại Sacombank, ông Nguyễn Minh Tâm - Phó tổng giám đốc cũng cho rằng, hiện nay các văn bản pháp luật chưa có quy định khung phí mà các đơn vị công lập phải trả cho NHTM và các đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nên nhiều dịch vụ hành chính công không thể trả phí cho ngân hàng, kể cả phí thanh toán bằng thẻ, trong khi đầu tư chi phí hệ thống vận hành khá lớn. Các đơn vị hành chính công cũng không được duy trì số dư trên tài khoản mở tại các NHTMCP nên cũng không thể sử dụng tiền gửi không kỳ hạn để bù đắp chi phí vốn.

Mở rộng hợp tác và chia sẻ lợi ích

Quan sát những năm qua cho thấy, nhu cầu về thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công tại nhiều địa phương vẫn ở mức cao và có sự tăng trưởng liên tục. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, hoạt động thanh toán học phí, viện phí, thanh toán điện, nước, internet, trả lương, trả trợ cấp xã hội… hầu hết đều đang được thực hiện qua các hình thức trực tuyến.

Tuy nhiên, những hạn chế trong đầu tư ngân sách đối với lĩnh vực hạ tầng thanh toán dịch vụ công vẫn chưa được xử lý triệt để. Nền tảng hạ tầng dữ liệu dùng chung giữa các bộ, ngành, địa phương chưa được hoàn thiện, nên mỗi tỉnh, thành sử dụng một hệ thống riêng không thống nhất và gây cản trở khi kết nối với hệ thống công nghệ thanh toán của các ngân hàng. Bên cạnh đó, việc chia sẻ nguồn kinh phí đầu tư các thiết bị phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt như máy POS, máy ATM cũng chưa được các địa phương chú trọng. Vì thế áp lực đầu tư cho hạ tầng thanh toán số dịch vụ công đối với hệ thống ngân hàng là rất lớn.

Để san sẻ những rủi ro đầu tư này, những năm qua, các NHTM đã chủ động hợp tác với các công ty công nghệ để giảm bớt chi phí đầu tư hạ tầng thanh toán số dịch vụ công. Chẳng hạn, từ cuối 2019, VietinBank và Sacombank đã hợp tác với CTCP Alliex Việt Nam để triển khai hạ tầng máy POS dùng chung. Ông Ippei Suzuki, C.E.O của Alliex cho biết, DN đã và đang đầu tư tại Việt Nam khoảng 600.000 máy POS. Với mỗi máy này các ngân hàng hợp tác sẽ tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng, bù lại công ty lắp đặt máy POS sẽ được hưởng một phần lợi nhuận từ hoạt động thanh toán. Hiện Alliex Việt Nam cũng đã ký hợp đồng với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để sử dụng dịch vụ viễn thông do VNPT cung cấp vì vậy khả năng để mở rộng hạ tầng POS dùng chung là rất rộng mở.

Mặc dù vậy, thúc đẩy phát triển toàn diện hơn nữa hạ tầng thanh toán số đối với các dịch vụ công, nhiều chuyên gia lĩnh vực tài chính cho rằng, Chính phủ nên có chủ trương đi từ khuyến khích đến bắt buộc các DN, cơ quan Nhà nước tham gia thanh toán điện tử. Chẳng hạn có thể đưa ra các chính sách miễn, giảm một phần thuế thu nhập DN thanh toán qua kênh điện tử, hoặc đưa ra các quy định mang tính chế tài như: bắt buộc các hệ thống, cửa hàng bán lẻ khi được cấp giấy phép kinh doanh phải luôn kèm theo phương tiện chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; các giao dịch mua bán giá trị cao của người dân phải được thực hiện qua kênh điện tử…

Về lâu dài, khi nguồn thu từ các dịch vụ thanh toán điện tử đối với dịch vụ công tăng lên sẽ hấp dẫn nhiều đơn vị ngoài ngân hàng tham gia chia sẻ chi phí đầu tư hạ tầng thanh toán. Từ đó thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tro-luc-cho-ha-tang-thanh-toan-dich-vu-cong-truc-tuyen-110540.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.