Sau khoảng một năm kể từ khi đại dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, khoảng 2/3 số giám đốc điều hành được khảo sát cho biết, họ không mong đợi doanh số bán hàng, lợi nhuận và tuyển dụng sẽ trở lại mức năm 2019 cho đến ít nhất là 3 tháng nữa.
Triển vọng trầm lắng của cuộc khảo sát trái ngược với những dự báo lạc quan nói chung đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng dương trong năm nay.
![]() |
Ảnh minh họa |
Các bình luận của Chính phủ Trung Quốc trong vài tuần gần đây cũng báo hiệu những lo ngại về tăng trưởng kinh tế nói chung. Trong khi bất chấp dự báo của các nhà kinh tế là tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc có thể sẽ tăng khoảng 2% trong năm nay, người tiêu dùng cho đến nay đã chi tiêu ít hơn so với năm ngoái vì nhiều người vẫn không chắc chắn về thu nhập trong tương lai.
China Beige Book cũng nhận thấy, mức tăng trưởng doanh số bán hàng đối với hàng xa xỉ, thực phẩm và quần áo giảm mạnh so với quý trước. “Các công ty trong những phân ngành này ghi nhận tỷ suất lợi nhuận thu hẹp hơn cũng như khối lượng bán hàng và tăng trưởng tuyển dụng yếu hơn”, Báo cáo khảo sát của China Beige Book cho biết.
Tuy nhiên hiệu quả hoạt động tốt hơn lại được ghi nhận ở các đại lý ô tô và nhà cung cấp đồ nội thất và thiết bị, cho thấy các hộ gia đình giàu hơn có thể thúc đẩy tiêu dùng tổng thể bằng cách chi tiêu cho các mặt hàng có giá trị lớn, Beige Book lưu ý.
Trong khi các nhà băng dường như cũng quan ngại hơn đến các doanh nghiệp bán lẻ. Theo China Beige Book, mặc dù tỷ lệ từ chối cho vay được duy trì khá ổn định trong hầu hết các lĩnh vực, khoảng 10% đến 20%, thì riêng với ngành bán lẻ đã tăng lên 38% trong quý IV/2020.
Nhu cầu nội địa là một cấu phần quan trọng trong kế hoạch tăng trưởng kinh tế bền vững của Bắc Kinh trong những năm tới. Trung Quốc đang cố gắng dựa nhiều hơn vào người tiêu dùng trong nước để thúc đẩy tăng trưởng thay vì xuất khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với các đối tác thương mại lớn như Mỹ hay gần đây nhất là Úc.
Mặc dù vậy vẫn có nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế Trung Quốc, đơn cử như trong lĩnh vực dịch vụ. Khảo sát của China Beige Book cho thấy, lợi nhuận quý IV/2020 của các doanh nghiệp không phải do người tiêu dùng trong nước thúc đẩy, mà là do các ngành công nghiệp đáp ứng nhu cầu kinh doanh như viễn thông, vận chuyển và dịch vụ tài chính. Tuy nhiên chuỗi nhà hàng không tăng trưởng nhiều, trong khi du lịch không tăng trưởng và dịch vụ khách sạn ghi nhận doanh thu thấp nhất.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, so với sự gia tăng xuất khẩu, nhập khẩu của Trung Quốc đã bị đình trệ kể từ khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau cú sốc của quý đầu tiên. Thị trường Trung Quốc vẫn là điểm sáng đối với các công ty trên toàn thế giới sau khi quốc gia này có thể kiểm soát sự bùng phát trong nước và trở lại mức tăng trưởng chung vào quý II.
Nhưng với các trường hợp lây nhiễm mới Covid-19 gần đây tại Trung Quốc cũng như diễn biến phức tạp của đại dịch ở nhiều quốc gia trên thế giới đang là một rủi ro lớn đối với các nhà chức trách và doanh nghiệp Trung Quốc.
Được biết các số liệu thống kê về kinh tế Trung Quốc trong năm 2020 sẽ được Cục Thống kê quốc gia công bố vào ngày 18/1 tới đây. Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc tăng trưởng 0,7% trong 3 quý đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong quý III/2020, mức tăng này là 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái và 2,7% so với quý trước.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kinh-te-trung-quoc-chua-hoan-toan-hoi-phuc-110471.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.