Trước đây trong Liên minh Châu Âu (EU), Vương quốc Anh (Anh) là đố́i tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, với kim ngạch thương mại song phương lên đến 6,6 tỷ USD/năm. Nay Anh không còn thuộc EU, và Việt Nam cũng đã kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Anh (UKVFTA) vào cuối tháng 12/2020, mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam tăng xuất khẩu sang thị trường này. Trong các lĩnh vực đầu tư, Anh cũng là quốc gia đầu tư lớn vào Việt Nam, khi có tổng vốn 3,6 tỷ USD của 400 dự án đầu tư còn hiệu lực thuộc các lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ, logistics, tài chính và kinh tế số…
Theo Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), hiện tại hai bên đang gấp rút hoàn thành các thủ tục trong nước phù hợp với quy định của pháp luật mỗi bên, đảm bảo việc có thể thực hiện ngay UKVFTA từ 23 giờ ngày 31/12/2020, nhằm góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Các điều khoản của FTA Việt Nam và Anh phần lớn giống với FTA Việt Nam và EU. Sau UKVFTA, doanh nghiệp Việt rất kỳ vọng vào sức tiêu thụ hàng hóa lớn ở thị trường Anh. Bởi thời gian qua, khi chưa có Brexit, Anh là nhà nhập khẩu hàng Việt lớn thứ ba trong EU (sau Cộng hòa Liên bang Đức và Hà Lan). Sản phẩm “made in Việt Nam” đang được tiêu dùng với số lượng lớn tại thị trường Anh.
![]() |
Cơ cấu hàng Việt xuất khẩu vào thị trường Anh vẫn mang tính chất bổ sung chứ không cạnh tranh |
Cơ cấu hàng Việt xuất khẩu vào thị trường Anh cho đến nay mang tính chất bổ sung chứ không cạnh tranh. Cụ thể, Việt Nam xuất sang Anh hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ và nhập khẩu từ Anh dược phẩm, máy móc thiết bị. Trong suốt năm 2020 này, do ảnh hưởng dịch bệnh, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Anh sụt giảm khoảng 15% đối với hàng tiêu dùng không thiết yếu (đồ gỗ nội ngoại thất, thủ công mỹ nghệ). Còn lại nhóm sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như nông sản thực phẩm, hàng điện tử (máy tính, thiết bị Internet), đồ bảo hộ bệnh viện (găng tay, khẩu trang y tế), thiết bị y tế (máy thở, máy lọc máu), dụng cụ xét nghiệm y tế… lại gia tăng đáng kể.
Bộ Công thương cũng đưa ra dự báo, từ năm 2021, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, cơ cấu hàng Việt xuất khẩu sang Anh có bổ sung, bên cạnh nhóm hàng thế mạnh (nông sản nhiệt đới, thủy sản, giày dép, đồ gỗ, thủy tinh…), thị trường Anh còn tăng nhập khẩu máy móc, dược phẩm, sắt thép, hóa chất từ Việt Nam… Tại Anh, dư địa tăng trưởng thị trường cho hàng Việt còn rất lớn, vì hàng Việt hiện chỉ chiếm 1% thị phần Anh, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Anh lên đến 700 tỷ USD/năm.
Ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, nhà đầu tư và doanh nghiệp Anh đánh giá thị trường Việt Nam là rất hấp dẫn và là cửa ngõ quan trọng để doanh nghiệp Anh thâm nhập thị trường lớn ASEAN (với 630 triệu dân). Sau UKVFTA, Anh sẽ có thêm nhiều lợi thế cạnh tranh với các đối thủ mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia… tại thị trường ASEAN. Hiện tại, doanh nghiệp Việt đang đón đầu làn sóng đầu tư tiếp tục từ Anh, với các lĩnh vực thế mạnh mà Việt Nam có nhu cầu hợp tác như năng lượng tái tạo, sản xuất tiêu dùng bền vững, giảm phát thải hiệu ứng nhà kính.
Quy mô đầu tư của nhà đầu tư Anh tại thị trường Việt Nam dù chưa đúng tiềm lực, nhưng có triển vọng rất lớn, bởi Anh là một trong 5 quốc gia đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỷ USD). Ngoài ra, doanh nghiệp Anh còn mang đến Việt Nam việc chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý doanh nghiệp hiện đại, giáo dục tiên tiến. Trong lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp Việt cũng rất kỳ vọng, sau dịch bệnh ngành du lịch tăng thu hút du khách Anh đến Việt Nam.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/vuong-quoc-anh-luon-la-doi-tac-quan-trong-110466.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.