![]() | Tăng tốc xúc tiến thương mại nội địa |
![]() | Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại |
![]() | Thêm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản |
Thủ công mỹ nghệ hiện là một trong số ngành có nhiều tiềm năng phát triển lớn, đặc biệt ở thị trường quốc tế. Nhiều sản phẩm gốm, sứ, sơn mài, đồ gỗ, hàng mây tre, dệt may, thêu đan… của Việt Nam được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng dùng làm đồ trang trí nội thất và quà tặng. Tuy nhiên, so với lượng tiêu thụ hàng nội thất và quà tặng trên thế giới, thì hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ dung lượng thị trường.
Theo ông Lê Bá Ngọc, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), cả nước hiện có 5.411 làng nghề và làng có nghề. Trong đó có 1.864 làng nghề truyền thống và 115 nghề truyền thống đã được công nhận. Đây là lợi thế lớn để Việt Nam tăng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, cũng là cơ hội để các ngành nghề thể hiện sức mạnh sáng tạo, nét độc đáo trong sản xuất sản phẩm thủ công. Mặt hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới, được xuất khẩu trên 163 quốc gia, vùng lãnh thổ. Mặc dù vậy, sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt vẫn gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu, do năng lực cạnh tranh còn thấp. Trên thị trường quốc tế, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam thường bị đánh giá là mẫu mã đơn điệu, giá thành cao hơn so với một số nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc… Vậy nên, hàng thủ công mỹ nghệ Việt thường gặp khó khăn khi xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ (Mỹ), Nhật Bản, Châu Âu (EU), vì các thị trường này có nhiều quốc gia cùng tham gia cạnh tranh xuất khẩu.
![]() |
Nhiều sản phẩm gốm, sứ, sơn mài, mây tre của Việt Nam được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng |
Ở trong nước, DN thủ công mỹ nghệ hiện nay đang thiếu nhiều nhân sự có năng lực, chuyên môn sâu về marketing để mở rộng thị trường xuất khẩu. Lại nữa, DN hầu hết sản xuất theo mẫu mã sẵn có của đối tác đặt hàng, hay những mẫu mã rập khuôn cũ, bởi phần lớn đều là DNVVN, các hợp tác xã, hộ sản xuất gia đình. Rất ít, thậm chí là không có đầu tư bộ phận thiết kế. Sản phẩm vì thế không có lợi thế cạnh tranh. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ yêu cầu ngày càng cao về chất lượng lẫn mẫu mã sản phẩm. Cụ thể như thị trường Mỹ, vốn là nhà nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, với tổng giá trị gần 70 tỷ USD/năm. Nhưng thị trường này yêu cầu cao về chất lượng, sản phẩm độc đáo và có giá trị lịch sử.
Qua rất nhiều lần quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại những hội chợ làng nghề quốc tế, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ Việt được ưa chuộng tại thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản. Các thương hiệu được biết đến như hàng mây tre lá của Hiền Uyên Vi (Bình Dương), túi xách của Kiến Hưng (Đồng Tháp), gốm sứ của Quang Vinh (Hà Nội), trang sức của Minh Giang (Hà Nội), đồ chơi của Bình Nga (TP. Hồ Chí Minh), gốm sứ Minh Long (Bình Dương), chăn ga gối đệm (hàng thêu) của Tập đoàn Hoàng Hải (Hưng Yên)… Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm đặc trưng từ các làng nghề nổi tiếng như sen Đồng Tháp, mành trúc Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), đá Non Nước (Đà Nẵng),… Khách hàng thế giới quan tâm đặc biệt đến hàng thủ công mỹ nghệ Việt. Việt Nam cũng được xem là nước có nguồn hàng ổn định, chất lượng tốt mà các nhà nhập khẩu hàng thủ công và trang trí gia đình trên thế giới có thể tin cậy, lựa chọn.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), nhằm giúp ngành thủ công mỹ nghệ tối ưu hóa khả năng xuất khẩu, hàng năm Cục đều tổ chức Đoàn DN Việt Nam tham gia các hội chợ lớn nhất trong lĩnh vực đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ tại Hoa Kỳ (Hội chợ High Point, Las Vegas), Đức (Hội chợ Ambiente), Nhật Bản, Hàn Quốc...
Năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 gây cản trở cho hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống của DN, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức nhiều hội nghị giao thương trực tuyến, kết nối DN thủ công mỹ nghệ Việt Nam với đối tác quốc tế. Các hoạt động này đã giúp DN tăng cường nhận thức, trải nghiệm marketing xuất khẩu để trau dồi tốt hơn năng lực xuất khẩu của chính DN, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam nói chung và sản phẩm của ngành thủ công mỹ nghệ nói riêng ra thị trường thế giới.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/mo-rong-duong-xuat-khau-hang-thu-cong-110325.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.