Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ, nâng cao năng suất, chất lượng cũng là vấn đề cốt lõi gắn với quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Muốn đẩy mạnh các hoạt động cải tiến năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của các DN Việt Nam nói chung, DN công thương nói riêng, cần có sự vào cuộc tham gia mạnh mẽ của tất cả các đơn vị có liên quan từ cơ quan quản lý, các đơn vị tư vấn hỗ trợ, các tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội cùng cả cộng đồng DN.
![]() |
Đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng sẽ tạo sức bật cho DN |
Thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực được xác định là một trong những nhân tố quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, đó cũng là mục tiêu hướng tới của quá trình tái cơ cấu toàn nền kinh tế cũng như trong từng ngành, lĩnh vực. Cùng với quá trình tái cơ cấu các ngành sản xuất công nghiệp, ngành công thương đã đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó giúp tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong năng suất và chất lượng tăng trưởng, tăng cường khả năng cạnh tranh của các DN công nghiệp.
Trên bình diện chung, nỗ lực không ngừng cải tiến gắn với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng cũng như khả năng cạnh tranh của các DN đã cho những kết quả rất rõ ràng, càng minh chứng rằng, phong trào năng suất đang dần phát triển và lan tỏa tốt. Nhưng nếu nhìn từ yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực của các nhà sản xuất đầu chuỗi, thị trường nhập khẩu, lại thấy rõ những thách thức và đòi hỏi ngày càng lớn hơn, buộc mỗi DN cần một chiến lược tiếp cận chủ động, toàn diện hơn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.
Sau 8 năm triển khai, Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm ngành công thương thuộc Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN Việt Nam tại Quyết định số 712/QĐ-TTg, đã xây dựng 468 mô hình điểm, tập trung vào các ngành công nghiệp ưu tiên (theo Quyết định 604). Không dừng lại ở việc hỗ trợ các DN áp dụng các công cụ, hệ thống có tính nền tảng như 5S, Kaizen, ISO 9001, ISO 14001. Mà quan trọng hơn, dự án đang hướng tới áp dụng công cụ, mô hình có tính tích hợp và các hệ thống quản lý theo yêu cầu đặc thù của sản phẩm, lĩnh vực cũng như các nhà cung cấp như: tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng IATF 16949 áp dụng cho các DN trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô tô; tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội SA8000…
99% DN đánh giá các mô hình thí điểm có hiệu quả, 95% DN tiếp tục duy trì các mô hình điểm sau khi dự án kết thúc, trong đó có 23,4% các DN mở rộng phạm vi áp dụng… là những con số biết nói về hiệu quả, tính bền vững và lan tỏa từ các mô hình điểm của dự án.
Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, tại May 10 khâu kỹ thuật và yếu tố con người là then chốt. Nếu như trước đây, DN quan tâm nhiều đến khâu may vì coi là công đoạn chủ chốt quyết định năng suất dây chuyền. Trong quá trình triển khai, hiệu quả chưa thật sự cao khi cắt không đáp ứng được. Với việc cải thiện quy trình, tập trung cải thiện khâu cắt, bằng việc đầu tư hệ thống máy trải vải và máy cắt tự động giúp giải quyết dễ dàng bài toán năng suất, giảm ít nhất 2 lao động thủ công/máy nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ bán thành phẩm cho may với chất lượng đúng tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, xác định công tác kỹ thuật là yếu tố then chốt, May 10 đã đầu tư cho Phòng kỹ thuật phần mềm thiết kế 3D và Phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn, đầu tư cho khâu cắt để đáp ứng về năng suất và thời gian giao hàng.
Hay tại Công ty cổ phần Cơ khí Phổ Yên, nhờ tham gia dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được cải thiện rõ rệt. Bằng việc tiêu chuẩn hóa quá trình sản xuất, tỷ lệ phế phẩm giảm, chất lượng hàng hóa ổn định, kiểm soát tốt quá trình sản xuất. Kết quả là, giá trị sản lượng tăng từ 450 tỷ đồng năm 2014 lên khoảng 830 tỷ đồng năm 2020. Năng suất lao động bình quân năm 2014 là 45 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2020 tăng lên 72 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập của người lao động tăng đều từng năm…
Mặc dù số lượng các DN triển khai thành công chưa nhiều nhưng mức độ tác động và lan tỏa từ chương trình là khá tích cực. Bộ Công thương sẽ đẩy nhanh việc báo cáo Thủ tướng và triển khai chương trình trong giai đoạn tiếp theo. Theo đó, các hoạt động hỗ trợ từ bộ sẽ tập trung vào nâng cao năng lực thực hiện các giải pháp cải tiến năng suất chất lượng của các DN, tiếp tục triển khai việc hỗ trợ xây dựng các mô hình thí điểm áp dụng một cách toàn diện các công nghệ quản trị cũng như nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ sản xuất, đặc biệt gắn với việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số; phát triển hệ sinh thái phục vụ hoạt động đổi mới, phát triển sản phẩm, công nghệ cho các DN, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết.
Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp do Bộ Công thương chủ trì thực hiện theo Quyết định số 604/QĐ-TTg, là một trong 9 dự án thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020”.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/de-nang-cao-nang-suat-cua-doanh-nghiep-110269.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.