Sáng danh người lính Thủ đô
Bộ sách tập hợp những bài viết cùng ảnh và tư liệu của các tác giả nguyên là cán bộ, chiến sĩ quân tăng cường lực lượng vũ trang Thủ đô chi viện cho chiến trường miền Nam, chiến đấu trong đội hình các đơn vị quân giải phóng hoặc các binh đoàn chủ lực ở các chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ. “Ký ức chiến tranh” cung cấp cho người đọc nhiều thông tin xúc động và tự hào như trong gần 8 năm (1967-1975), quân tăng cường Thủ đô đã bổ sung cho các chiến trường hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có nhiều cán bộ văn hóa, khoa học, kỹ thuật.
Ngược dòng lịch sử, quân tăng cường Thủ đô được hình thành từ nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng giao cho Hà Nội ngày 1/8/1967. Hà Nội đã tổ chức, hành quân và giao đầy đủ 42 tiểu đoàn quân tăng cường, chi viện kịp thời cho các chiến trường ở miền Nam, chiến trường Trường Sơn và Lào… tham gia vào những cuộc chiến đấu ác liệt chống đế quốc Mỹ, ngụy quân, ngụy quyền cho đến ngày non sông thống nhất.
![]() |
Tọa đàm, giới thiệu bộ sách |
Đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, cho biết: “Thời kỳ đó (từ năm 1967 đến 1974), tôi với cương vị là Bí thư Thành ủy Hà Nội, đã cùng với các đồng chí Trần Duy Hưng - Chủ tịch thành phố, đại tá Lê Nam Thắng - Tư lệnh bộ đội Thủ đô và các đồng chí lãnh đạo khác đã rất cố gắng lãnh đạo, động viên đồng bào Thủ đô và các cháu thanh niên dồn mọi cố gắng, hưởng ứng lời kêu gọi chống đế quốc Mỹ, cứu nước của Bác Hồ, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, thực hiện việc tổ chức huấn luyện, hành quân và giao đầy đủ 42 tiểu đoàn Quân tăng cường với chất lượng chính trị tinh thần, kỹ năng chiến đấu, sức khỏe tốt nhất cho chiến trường. Lãnh đạo Thành phố và Bộ Tư lệnh Thủ đô lúc đó đều tin tưởng con em Thủ đô sẽ xứng đáng là lớp kế tiếp truyền thống "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", lập tiếp chiến công làm sáng danh Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, chúng tôi cũng tâm niệm, sau chiến thắng, anh em trở về, lãnh đạo thành phố cùng nhân dân Hà Nội sẽ vinh danh, chào đón cán bộ, chiến sĩ quân tăng cường Thủ đô đã dâng hiến tuổi xuân cho Tổ quốc”.
Những bài viết trong “Ký ức chiến tranh” là tư liệu lịch sử vô giá dành tặng cho đồng bào, chiến sĩ Thủ đô và cả nước. Sách “Ký ức chiến tranh” sẽ góp phần giúp thế hệ trẻ hiện nay và mai sau hiểu được sự tàn khốc của chiến tranh cùng sự hy sinh to lớn của người chiến sĩ quân tăng cường Thủ đô nói riêng và thế hệ trẻ cả nước nói chung trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Cựu chiến binh Đặng Trung Lạc, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 2, quân tăng cường Thủ đô, xúc động chia sẻ, ông vinh dự được đứng trong đội ngũ những chiến sĩ của quân tăng cường. Nay lại vinh dự được đọc trọn 5 cuốn sách tư liệu với đầy chất văn, chất thơ: “Tôi đã đọc từng dòng, ngẫm từng trang và đã bao lần phải dừng lại để cố ngăn những dòng nước mắt cứ tự nhiên ứa ra. Ký ức chiến tranh hiện ra trước mắt tôi như một bức tranh sống động. Những người lính đã viết về mình, về đồng đội và cho chính những người đi qua cuộc chiến khốc liệt. Câu chuyện mà đồng đội tôi viết rất tự nhiên, dung dị đến kỳ lạ và cũng thật đến nao lòng”.
Xứng đáng là tác phẩm văn chương
Thời gian vừa qua, trong dòng chảy văn chương, ngoài dòng sách lịch sử, thì dòng sách phi hư cấu viết về các cuộc chiến tranh cách mạng của dân tộc cũng được đánh giá cao và nhiều nhà văn quan tâm. PGS,TS. Nguyễn Thanh Tú (tạp chí Văn nghệ Quân đội) cho biết: 5 tập sách xứng đáng là những tập sách văn chương phi hư cấu đáng đọc. Bởi cái thật, cái khốc liệt trong chiến tranh đã vượt xa khỏi trí tưởng tượng của con người”.
![]() |
Bộ sách hoành tráng về một thời hào hùng |
Đọc ở tập 5, ta thấy những người lính Hà Nội hào hoa, làm thơ rất hay. Như ông Bùi Văn Thơ, nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 48 còn giữ được “Nhật ký đời lính”. Tập nhật ký chép tay đã ghi cụ thể diễn biến, từ hành quân đến việc trực tiếp chiến đấu ở mặt trận. Trong phần nhật ký “Phước Long những ngày nổi sóng” của tác giả Trịnh Ngọc Giao, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 72, bạn đọc thấy được tầm vóc, ý nghĩa của chiến dịch làm tan rã hơn 10 nghìn tên địch, giải phóng hoàn toàn một tỉnh rộng lớn, thực sự là một đòn trinh sát chiến lược làm cơ sở cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975. Nhiều chiến sĩ cũng đã ghi chép và để lại những cuốn nhật ký nhỏ, thấm máu của bản thân và đồng đội. Đó là những trang viết đầy đam mê, trong sáng, những trang viết ân nghĩa với cuộc đời.
Chiến tranh đã lùi xa, hầu hết các chiến sĩ quân tăng cường Thủ đô đã trở về cuộc sống đời thường. Sống trong hòa bình, họ luôn giữ những kỷ niệm oai hùng chiến đấu trên các chiến trường, luôn nhớ những đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường ác liệt năm xưa. Nhiều cán bộ, chiến sĩ còn mang trong mình những vết thương bom đạn, bị nhiễn chất độc da cam, sức khoẻ giảm sút nhưng đã vượt lên số phận chiến thắng bản thân mình trong thời bình, làm nên sự nghiệp rất đáng khâm phục.
Đọc bộ sách, thấy ký ức hiện về. Có ký ức kể lại hùng hồn, hào sảng, có câu chuyện lại đậm chất thơ và có những câu chuyện mộc mạc, đơn sơ. Tổng 5 tập “Ký ức chiến tranh” chắc chắn sẽ góp phần giáo dục lòng yêu nước và hỗ trợ tinh thần cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Với những trang viết này, họ thêm hiểu biết về chiến tranh vệ quốc cùng sự hy sinh to lớn của người chiến sĩ quân tăng cường Thủ đô nói riêng và quân đội ta nói chung trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước... Bộ sách được viết ra từ trái tim người lính một cách chân thực với lòng quả cảm.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ky-uc-ve-mot-thoi-hao-hung-110212.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.