Tại Diễn đàn “An ninh năng lượng cho phát triển bền vững” vừa được Bộ Công thương tổ chức ngày 22/12, TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh lại quan điểm của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị: “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
![]() |
VietinBank rất tích cực đầu tư cho các dự án năng lượng |
Trong đó việc hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn cho các dự án năng lượng, đặc biệt cho hoạt động đầu tư phát triển ngành điện được xem là mấu chốt để hóa giải phần năng lượng thiếu hụt trong các năm tới. Ví như với ngành điện, các nghiên cứu cho thấy từ năm 2020 trở đi, Việt Nam sẽ thiếu điện, trong đó chủ yếu thiếu hụt điện với khu vực phía Nam. Để đáp ứng nhu cầu đầu tư, từ nay đến năm 2030 ngành điện cần khoảng 150 tỷ USD để phát triển nguồn điện, trung bình mỗi năm cần khoảng 12-13 tỷ USD để đầu tư phát triển các dự án nhà máy phát điện mới.
Nhìn ra toàn ngành, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu năng lượng ở mức 112 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và 187 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2045, ngành năng lượng cần huy động đa dạng các nguồn vốn trong nền kinh tế, đồng thời phải có cơ chế hỗ trợ thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức nước ngoài.
Trong đó, nguồn vốn từ ngân hàng đã và đang là một điểm tựa. Bà Nguyễn Thùy Dương - Trung tâm giải pháp tài chính, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, với vai trò là một NHTM Nhà nước lớn, VietinBank nhận thức được việc ưu tiên nguồn vốn cho phát triển năng lượng là một trong các nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược hoạt động, nhằm hỗ trợ đảm bảo mục tiêu cung ứng đầy đủ, có hiệu quả năng lượng để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Hiện việc tài trợ lĩnh vực năng lượng đang chiếm 15% danh mục tín dụng của VietinBank, trong đó VietinBank đang tài trợ 37% số lượng khách hàng hoạt động trong ngành dầu khí, 40% số lượng khách hàng hoạt động trong ngành than, 78% số lượng khách hàng hoạt động trong ngành điện. Riêng đối với ngành điện, VietinBank đã triển khai giải pháp toàn diện theo chuỗi giá trị ngành điện, trong đó có quan hệ với 90% các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết bị điện, tài trợ 500 dự án phát điện, 20 dự án truyền tải và đang cung cấp sản phẩm dịch vụ cho 100% các doanh nghiệp phân phối điện.
Thời gian gần đây, VietinBank đã dành nguồn lực rất lớn để tài trợ các dự án năng lượng tái tạo và nhiều dự án khác. Với năng lực vốn tự có hiện nay, VietinBank có thể cấp tín dụng tối đa lên tới 16.500 tỷ đồng tương đương 15% vốn tự có với một khách hàng, lên tới 28.000 tỷ đồng, tương đương 25% vốn tự có đối với một nhóm khách hàng. Bên cạnh đó VietinBank đã và đang là cầu nối để tư vấn, hỗ trợ các chủ đầu tư thu xếp vốn, M&A cho các dự án, đặc biệt từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Tuy nhiên trong quá trình tài trợ các dự án năng lượng, VietinBank cũng gặp khá nhiều khó khăn thách thức. Điển hình như về vấn đề pháp lý và kỹ thuật, các dự án năng lượng có nhiều rào cản liên quan đến cơ chế chính sách, pháp lý (quy hoạch, giá điện), tài chính (suất đầu tư cao với điện gió, điện gió trên biển), kỹ thuật công nghệ cao đòi hỏi tư vấn của các tổ chức uy tín nước ngoài...
Về tài trợ vốn cho dự án, dưới góc độ nguồn vốn đầu tư, thách thức lớn với các NHTM nói chung và VietinBank nói riêng là các dự án này đòi hỏi mức cho vay lớn, thời gian cho vay dài, rủi ro cao, do đó cân đối nguồn vốn để tài trợ là một thách thức lớn cho các ngân hàng. Quy mô vốn cho mỗi dự án điện thường rất lớn, có những dự án cần vốn tính theo đơn vị tỷ USD. Theo quy định của Nhà nước thì với vốn chủ sở hữu như hiện nay, các NHTM trong nước rất khó để có thể đáp ứng.
Vì vậy, việc gọi vốn tham gia của nhà đầu tư nước ngoài là rất cần thiết. Các ngân hàng địa phương với sự am hiểu luật pháp và thị trường địa phương, sẵn sàng đóng vai trò đầu mối tư vấn, thu xếp vốn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên các vướng mắc về Hợp đồng mua bán điện, chính sách giá, cơ chế thế chấp tài sản bảo đảm về đất đai... hiện vẫn là rào cản cần tháo gỡ để tăng khả năng tiếp cận vốn cho các dự án.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/viet-nam-can-uu-tien-nguon-von-de-dam-bao-an-ninh-nang-luong-110143.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.