![]() | Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 |
![]() | Đổ tiền tỷ lên mặt nước làm điện mặt trời |
![]() |
Toàn cảnh Diễn đàn An ninh năng lượng cho phát triển bền vững |
Tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho biết đây là chủ đề có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất cao, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2019 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và tiếp tục xác định quan điểm “phát triển nhanh và bền vững” với mục tiêu đến năm năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao như đã nêu tại dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Việc đảm bảo an ninh năng lượng trên phương diện quốc gia chính là sự duy trì liên tục, ổn định và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng năng lượng với mức giá cả chấp nhận được đối với quốc gia đó. Trong đó, các vấn đề về giá cả và sự đa dạng về nguồn cung cấp là những yếu tố có tính quyết định đến an ninh năng lượng, xét trên góc độ lợi ích quốc gia.
Đối với Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm: “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Đồng thời, Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Ngày 30/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 136 về phát triển bền vững, trong đó mục tiêu số 7 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 có nội dung về bảo đảm an ninh năng lượng, cụ thể: "Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người".
Bộ Công Thương cho biết, thực tiễn phát triển năng lượng quốc gia từ năm 2007 đến nay cho thấy, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, như các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, cơ cấu đang bị mất cân đối, áp lực phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn.
Một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi, bao gồm các chỉ tiêu như: (1) Tỷ số trữ lượng và sản xuất than, dầu và khí tự nhiên ngày càng giảm; (2) Sự phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên ngày càng tăng; (3) Tỷ trọng chi phí nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên trong tổng thu nhập quốc nội ngày càng tăng.
Từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng và xu hướng này ngày càng tăng lên nhanh trong dài hạn; các mối đe dọa liên quan đến an ninh năng lượng ngày càng lớn.
Nguyên nhân chủ yếu là do tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện về cơ bản đã khai thác hết; sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn sau thời gian dài khai thác đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn; tuy trữ lượng than còn nhiều nhưng chưa khai thác triệt để do công nghệ còn lạc hậu và điều kiện khai thác ngày càng khó khăn làm tăng giá thành; một số dự án nguồn điện chưa đưa vào vận hành do chậm tiến độ và chậm khởi công so với quy hoạch, hoặc dừng triển khai; chưa có một chiến lược và chính sách cụ thể rõ ràng để bảo đảm khả năng tiếp cận được các nguồn năng lượng có khả năng cung cấp dài hạn, có độ tin cậy cao, giá thành hợp lý; giá năng lượng còn chưa theo cơ chế thị trường; khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề cung cấp năng lượng dẫn đến hệ số đàn hồi năng lượng cao…
Thực tế, Việt Nam hiện nay mới bắt đầu nghiên cứu có tính tổng thể về bài toán đánh giá mức độ đảm bảo an ninh năng lượng. Trong điều kiện hệ thống năng lượng cũng như nền kinh tế Việt Nam có những đặc điểm riêng, cần thiết phải xây dựng cơ sở phương pháp luận và mô hình mô phỏng hệ thống năng lượng Việt Nam với các dấu hiệu phù hợp với điều kiện tự nhiên và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp đánh giá mức độ đảm bảo an ninh năng lượng được xây dựng bởi các tổ chức và các nước khác nhau, tùy thuộc vào đặc thù của từng quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) đánh giá dựa trên 8 dấu hiệu đơn lẻ và 5 dấu hiệu hợp nhất, trong đó 8 dấu hiệu đơn lẻ bao gồm: (1) về nguồn tài nguyên năng lượng; (2) tỷ lệ dự trữ/sản xuất; (3) sự đa dạng; (4) sự phụ thuộc nhập khẩu; (5) sự ổn định chính trị; (6) giá năng lượng; (7) tỉ lệ sử dụng các nhiên liệu có gốc carbon; (8) tính thanh khoản của thị trường, dấu hiệu hợp nhất có thể được xây dựng từ các dấu hiệu đơn lẻ và từ việc xem xét tổ hợp các yếu tố tác động tác động tới vấn đề an ninh năng lượng mà các dấu hiệu đơn lẻ đã đề cập đến.
Các dấu hiệu hợp nhất thể hiện qua chỉ số cơ sở Shannon, chỉ số S/D (cung cấp/tiêu thụ), dấu hiệu về sự sẵn sàng để chi trả, dấu hiệu về tính dễ tổn thương của dầu mỏ…
Liên minh châu Âu (EU) đánh giá dựa trên 8 dấu hiệu đơn lẻ đã được sử dụng, bao gồm: cường độ năng lượng; cường độ carbon; tỉ lệ độc lập về nhập khẩu năng lượng với từng nguồn năng lượng sơ cấp chính là than đá, khí thiên nhiên và dầu mỏ; sản lượng của các nguồn năng lượng sơ cấp; tổng công suất nguồn điện và cuối cùng là nhu cầu năng lượng cho giao thông.
Theo phương pháp đánh giá của Liên bang Nga, có 7 dấu hiệu đơn lẻ quan trọng nhất để đánh giá các khía cạnh khác nhau về an ninh năng lượng của mình, bao gồm: sụt giảm năng lực công suất sản xuất năng lượng của hệ thống, tỉ lệ của các loại nhiên liệu chi phối trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng, mức độ không cấp đủ năng lượng cho khách hàng so với tổng nhu cầu của các nguồn năng lượng đó, khả năng tìm kiếm các nguồn năng lượng bù đắp lại mức độ khai thác hàng năm phục vụ cho việc tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, mức độ vượt quá của các khả năng cung cấp của các loại nhiên liệu trên tổng số nhu cầu của các loại năng lượng đó, mối quan hệ giữa tổng số nhiên liệu dự trữ tại thời điểm đầu của thời đoạn và mức tiêu thụ hàng năm, mức độ sử dụng hiệu quả năng lượng, đặc trưng cho mức độ tiêu thụ năng lượng trên 1 đơn vị GDP.
Câu hỏi đặt ra là, Việt Nam cần tham khảo và lựa chọn cách tiếp cận và phương pháp đánh giá nào cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển riêng biệt?
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/viet-nam-chon-cach-tiep-can-nao-de-dam-bao-an-ninh-nang-luong-110102.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.