Những trang ký ức máu lửa

Cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành Cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972 là một sự kiện điển hình về mức độ ác liệt, tinh thần chiến đấu ngoan cường và sự hy sinh to lớn của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; là khúc tráng ca bất hủ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Đã có rất nhiều sách báo viết về “mùa hè rực lửa” ấy, trong đó có 3 ấn phẩm đặc biệt do nhà báo, họa sĩ, cựu chiến binh Trần Lê An chủ biên và sáng tác.
nhung trang ky uc mau lua
Trần Lê An (ngồi phía trước) “hát cùng đồng đội” tại Thành Cổ Quảng Trị, hè 2019

Gọi là “đặc biệt” vì hầu hết các tác giả của những bài thơ, trang văn, bức tranh, tấm ảnh… trong 3 cuốn sách đều là những người trong cuộc. Trong số họ, nhiều người đã anh dũng hy sinh tại Thành Cổ và mặt trận Quảng Trị; nhiều người hiện nay là những cán bộ cấp cao, nhà khoa học uy tín, doanh nhân thành đạt, văn nghệ sĩ nổi tiếng… Tập thơ Âm vang dòng Thạch Hãn do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2006, gồm 81 bài thơ, tượng trưng cho 81 ngày đêm của cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, của 18 tác giả, trong đó có những tác giả là liệt sĩ đã hy sinh trên chiến trường Quảng Trị, như: Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Kỳ Sơn, Bùi Hải Trừng… Tập Khúc tráng ca Thành Cổ do NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 2008 với hơn 500 trang khổ rộng, giấy tốt, bìa cứng. Đây cũng là tập hợp những trang nhật ký, hồi ký, đoạn văn, ghi chép, bài thơ, bản nhạc, tranh vẽ, ảnh chụp… của chính những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Quảng Trị năm 1972. Đó là những con người có thật kể về những câu chuyện có thật. Trong đó, nhiều trang ghi chép, bức tranh, lá thư… có những số phận rất kỳ diệu mà gần đây mới được phát hiện và công bố.

Có thể nói “Khúc tráng ca Thành Cổ” như một pho tư liệu lịch sử chân thực và sinh động về chiến dịch giải phóng và bảo vệ Quảng Trị năm 1972 - nổi bật là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, từ ngày 28/6 đến ngày 16/9/1972. Người đọc được gặp ở đây hồi ức, nhận định, cảm tưởng… của những cán bộ đã trực tiếp tham gia lãnh đạo và chỉ huy chiến dịch, như: Trung tướng Lê Tự Đồng - nguyên Phó chính ủy Mặt trận B5 (Trị Thiên); Trung tướng Sùng Lãm - nguyên Tư lệnh Sư đoàn 320B tham gia chiến dịch Quảng Trị năm 1972; Đại tá Nguyễn Việt - nguyên Tham mưu phó sư đoàn 325, từng trực tiếp chỉ huy chiến đấu bảo vệ Thành Cổ; Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 18 (sư đoàn 325), lực lượng chủ lực bảo vệ Thành Cổ; Đại tá Nguyễn Hải Như - nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 48 (sư đoàn 320B), đơn vị bảo vệ Thành Cổ 81 ngày đêm… Bên cạnh đó là những trang nhật ký, bài thơ, câu chuyện, tranh vẽ… của những người “lính sinh viên” ngày ấy đã trực tiếp cầm súng trong chiến hào Thành Cổ, như: Trần Lê An, Tạ Quỳnh Phương, Lê Duy Ứng, Lê Trí Dũng, Phùng Huy Thịnh, Hoàng Nhuận Cầm, Hồ Tú Bảo, Lê Xuân Tường, Nguyễn Hải Nghiêm… Những bức ảnh của phóng viên báo Quân đội nhân dân Đoàn Công Tính chụp tại mặt trận ngày ấy, là sự đóng góp thêm những tư liệu xác thực, sinh động về hình ảnh của những người chiến sĩ trong “Mùa hè rực lửa 1972”…

nhung trang ky uc mau lua

Tác giả Trần Lê An quê ở thị xã Hải Dương, nay là thành phố Hải Dương của tỉnh Hải Dương. Anh thuộc thế hệ “tài hoa ra trận” trong những năm tháng cả dân tộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Mùa hè năm 1972 anh thuộc biên chế Sư đoàn 325B, trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị. Sau năm 1975, anh trở về học tiếp Đại học Mỹ thuật, rồi làm báo, giảng dạy đại học và vẽ tranh, tạc tượng. Ngoài chủ biên 2 tập sách “Âm vang dòng Thạch Hãn” và “Khúc tráng ca Thành Cổ” trên đây, anh còn là tác giả cụm Tượng đài chiến thắng Sư đoàn 325 - Đại đoàn Bình Trị Thiên cao gần 30 mét bằng đá xanh nguyên khối dựng tại phường An Đôn bên bờ sông Thạch Hãn năm 2013 và một số tác phẩm hội họa được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam…

Bấy nhiêu tác phẩm biên soạn và sáng tác về đề tài chiến tranh và người lính, nhưng Trần Lê An vẫn thường trực đau đáu nỗi niềm mắc nợ - mắc nợ đồng chí, đồng bào, những người đã ngã xuống và cả những người đang sống… Lại có những sự việc và con người trong cuộc chiến hôm qua đến nay vẫn còn bị khất lấp, hoặc có nhiều cách nhìn nhận đánh giá khác nhau, hoặc có những sự việc và con người vì nhiều lý do mà hôm nay mới có thể bổ sung, công bố… Những điều day trở đó đã được anh thực hiện phần nào trong tập ký sự “Bão táp và sông thiêng” do NXB Công an nhân dân ấn hành quý 3/2020.

Tác giả Trần Lê An cho biết: Để viết tập ký sự “Bão táp và sông thiêng” hơn 350 trang in khổ lớn, ngót chục năm qua anh đã có nhiều chuyến trở lại chiến trường xưa, gặp lại những đồng bào đồng chí cùng sống và chiến đấu những năm tháng ấy. Rồi anh rong ruổi về tận các miền quê gặp gỡ, hỏi chuyện những cán bộ, chiến sĩ là những nhân chứng tin cậy của mặt trận Quảng Trị ở mỗi giai đoạn, mỗi sự kiện; trong đó có cả những nhân chứng ở phía bên kia… Ngoài nhật ký chiến trường của cá nhân, anh còn đọc hàng chục cuốn nhật ký chiến trường của nhiều liệt sĩ và cựu chiến binh, nhất là những tướng lĩnh từng trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Tất cả những ghi chép, hồi ức, kỷ niệm… ấy lại phải được so sánh, đối chiếu với những tài liệu chính thống đang lưu trữ tại Viện lịch sử Quân sự, Thư viện Quân đội và thư viện một số sư đoàn, quân đoàn, binh đoàn…

Công phu, cẩn trọng, tỉ mỉ… như vậy, nên “Bão táp và sông thiêng” đã giúp cho bạn đọc một cái nhìn khá đầy đủ về tầm vóc, ý nghĩa và diễn biến của chiến dịch giải phóng Quảng Trị, cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị trong “Mùa hè rực lửa” năm 1972. Sách có những câu chuyện sinh động gần như lần đầu tiên được công bố, như: Cuộc rút lui “bất tuân lệnh” cấp trên của một tiểu đoàn trưởng thuộc Trung đoàn 64 của sư đoàn 320, để bảo toàn lực lượng còn lại của đơn vị cho những ngày chiến đấu sắp tới. “Bất tuân lệnh” nhưng sau đó vẫn được “ghi nhận” vì đó là một quyết định đúng. Hoặc như diễn biến của tổ chốt tiêu diệt toán lính liều chết mấy lần lao lên cắm cờ trên cổng thành đêm 19/7/1972; hoặc như trường hợp Trung tá Nguyễn Việt, Tham mưu phó Sư đoàn 325 được cử vào “đốc chiến”, trở thành người chỉ huy có chức vụ và quân hàm cao nhất của các lực lượng chiến đấu bảo vệ bên trong Thành Cổ, nhưng không hề có văn bản “bổ nhiệm” chính thức…

Ký sự “Bão táp và sông thiêng” được viết bởi một cây bút thuộc thế hệ “tài hoa ra trận”. Bên cạnh những giá trị về tư liệu lịch sử, tập sách còn dành cho bạn đọc những trang văn đẹp, những đoạn miêu tả tâm lý sâu sắc và lối kể chuyện hết sức sinh động, lôi cuốn. Người đọc rưng rưng thổn thức cùng tâm trạng của những người lính trong cái đêm vượt sông rời ngôi Thành Cổ sau 81 ngày đêm chiến đấu can trường, bỏ lại biết bao đồng đội thân thương. Bạn yêu âm nhạc sẽ thỏa chí tò mò về hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Bạn tôi” thường được vang lên mỗi khi về viếng thăm Thành Cổ. Nhiều người sẽ không nhịn được cười khi nghe Sư trưởng Hoàng Đan phân công nhiệm vụ trên bản đồ tác chiến bằng cái giọng đặc sệt Nghi Lộc quê ông. Câu chuyện anh lính trẻ “ngựa non” dùng đòn tre gánh 2 thùng đạn 82 ly để “làm gương” suýt bị… đứt hơi, về sau lại “lý sự” thành công khi tự ý cạy vứt bỏ thùng gỗ để gánh được nhiều cơ số đạn hơn, cũng là những câu chuyện rất thật và… rất lính!

Những chi tiết, những câu chuyện như thế cùng lối kể chuyện linh hoạt biến hóa của tác giả, đã góp phần tăng thêm sức hấp dẫn cho tập ký sự.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nhung-trang-ky-uc-mau-lua-110076.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.