![]() |
Ông Nguyễn Anh Quân |
Hiện quận Hoàn Kiếm có nhiều tuyến phố cho phép khai thác vỉa hè để kinh doanh. Điều đó có khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn, thưa ông?
Quận Hoàn Kiếm là một trong 4 quận nội thành đầu tiên của Hà Nội, sở hữu nhiều tuyến phố buôn bán sầm uất. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ với trọng tâm là kinh doanh dịch vụ, thương mại, du lịch chiếm 98% tỷ trọng kinh tế toàn quận. Vì là quận trung tâm, mật độ dân cư đông đúc nên chúng tôi nhận thấy việc quản lý vỉa hè còn chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc lấn chiếm hè phố để kinh doanh còn khá phổ biến, thậm chí có chỗ trở thành điểm nóng về trật tự đô thị. Mặc dù các lực lượng chức năng đã vào cuộc song chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét về ý thức tự giác chấp hành của nhiều hộ kinh doanh. Đa số chiều rộng vỉa hè các tuyến phố của quận nhỏ hơn 3,5m hoặc không có vỉa hè, không đủ điều kiện bố trí điểm trông giữ phương tiện nên xảy ra tình trạng dừng, đỗ xe sai quy định; ý thức chấp hành của người dân còn hạn chế nên rất khó khăn khi xử lý vi phạm.
Quận Hoàn Kiếm là nơi có lợi thế để phát triển kinh tế ban đêm?
Không thể phủ nhận quận Hoàn Kiếm hiện đang nắm giữ nhiều lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế ban đêm. Bên cạnh bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội, quận Hoàn Kiếm còn có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, chất lượng với 190 di tích, trong đó nhiều di tích có giá trị tiêu biểu của Thủ đô. Ngoài ra, quận Hoàn Kiếm còn là nơi tập trung nhiều cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành...; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, thu hút một lượng lớn du khách trẻ tuổi...
Đặc biệt, thực hiện chủ trương của thành phố, từ tháng 9/2016 đến nay, UBND quận đã tổ chức thí điểm mở rộng khung thời gian kinh doanh đến 2 giờ sáng các ngày cuối tuần đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận. Chủ trương này giúp tạo thêm không gian vui chơi, thu hút du khách khi đến với Thủ đô và quận Hoàn Kiếm, đáp ứng nhu cầu giải trí, giao lưu, tìm hiểu cuộc sống ban đêm của du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, tăng thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách.
Các phố “Hàng” ở địa bàn quận Hoàn Kiếm từng rất nổi tiếng, có nhiều nét đặc trưng. Vậy UBND quận có kế hoạch khôi phục thêm tuyến nào, hay có đề án nào tăng thêm hiệu quả kinh tế, thưa ông?
Nhắc đến phố “Hàng” thì ai cũng biết gắn với Hà Nội 36 phố phường, với bề dày lịch sử, tạo nên khu phố cổ sầm uất bậc nhất đất kinh kỳ và cũng là mảnh đất có giá trị văn hóa, lịch sử.
Trong thời gian qua các tuyến phố kinh doanh trên địa bàn quận thường xuyên được duy trì, phát huy, cơ bản đáp ứng tiêu chí văn minh thương mại: Tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Hàng Giấy, chợ đêm Đồng Xuân từng bước được nâng cao chất lượng. Việc mở rộng không gian đi bộ sang sáu tuyến phố khu bảo tồn cấp I (phố cổ) tạo được ấn tượng và sức hút lớn cho du khách; các tuyến phố kinh doanh dược Lãn Ông, tơ lụa Hàng Gai, kim hoàn Hàng Bạc được định hình lại rõ nét hơn.
Khu phố mua sắm hàng hiệu, hàng chất lượng cao Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, khu vực chung quanh Nhà hát lớn từng bước hình thành, thu hút nhiều thương hiệu lớn của thế giới. Mấy năm qua quận cũng đã xây dựng thành công Phố sách tại phố 19-12, tạo điểm nhấn thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, mua sắm, tham gia các hoạt động liên quan văn hóa đọc.
Chúng tôi gọi đây là các “không gian động lực” - không gian sẵn có và tập trung giải pháp nâng cao chất lượng. Cụ thể như, cải thiện Không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; cải thiện không gian ẩm thực chợ Đồng Xuân, không gian ẩm thực tại tuyến phố Tống Duy Tân - Cấm Chỉ. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức khai trương Không gian đi bộ mở rộng phía Nam khu phố cổ để kết nối khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; nghiên cứu xây dựng và phát triển Đề án “Tổ chức không gian văn hóa tại phố Đinh Lễ - Nguyễn Xí”; Triển khai Dự án xây dựng cột mốc số “0” của Hà Nội và cả nước tại Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, với mục tiêu cột mốc sẽ là công trình điểm nhấn - địa điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
![]() |
Phố Tạ Hiện - một điểm ăn chơi về đêm, thu hút đông du khách của Hà Nội |
Xa hơn nữa, về tương lai, quận quản lý vỉa hè trên địa bàn ra sao để bảo đảm “vỉa hè sinh ra tiền bạc” và tạo nét đặc trưng cho các tuyến phố?
Để thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện kịch bản chủ động thích nghi, tạo ra hiệu quả phục hồi kinh tế, nhiều giải pháp đã được UBND quận đề ra. Ngoài các dự án kể trên, chúng tôi đang nghiên cứu chỉnh trang và nâng cấp tuyến phố có vỉa hè rộng là Hàng Khay - Tràng Tiền - Nhà hát Lớn để phát triển thành tuyến phố đi bộ kết hợp thương mại; xây dựng phương án vận hành, khai thác đoạn phố Tràng Tiền 1 và Tràng Tiền 2 (phân tách bởi phố Ngô Quyền) thành tuyến phố trình diễn nghệ thuật thời trang kết hợp nghệ thuật ẩm thực. Cùng với đó, sẽ triển khai giai đoạn một dự án cải tạo, chỉnh trang 131 vòm cầu dẫn lên cầu Long Biên; nghiên cứu triển khai Đề án khu phố Pháp quận Hoàn Kiếm trở thành vùng di sản (gồm cầu Long Biên, Bảo tàng Lịch sử, tòa Thị Chính, Nhà thờ Lớn, Nhà hát Lớn, Trường ĐH Dược...). Trong đó sẽ tận dụng được nhiều giá trị của vỉa hè.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tan-dung-loi-the-quan-trung-tam-109955.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.