Khắc phục được hạn chế, số liệu GDP và GRDP đã tương thích cả về quy mô và tốc độ
08:25 | 12/12/2020
Việc khắc phục được hạn chế, số liệu GDP và GRDP đã tương thích cả về quy mô và tốc độ, đây là nhận định được đại diện Tổng cục Thống kê nêu tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố thuộc Trung ương” ngày 11/12, tại Hà Nội.
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, sau nhiều năm tuân thủ tối đa các hướng dẫn của Hệ thống tài khoản quốc gia năm 1993 (SNA 1993), tuy nhiên việc tính GDP và GRDP đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đặc biệt là sự chênh lệch số liệu giữa Trung ương và địa phương có biểu hiện gia tăng.
Ví dụ, năm 2011, GDP của cả nước do Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố được các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế thống nhất sử dụng chỉ tăng 6,24% so với năm 2010. Trong khi đó, 61 địa phương có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng GDP của cả nước với 27 địa phương có tốc độ tăng trên 10%. Kết quả tổng hợp GRDP do địa phương tính toán và công bố cho thấy tốc độ tăng GDP của cả nước năm 2011 lên tới hơn 11%, gấp gần 1,8 lần tốc độ tăng chung do Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố.
Sang năm 2012, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp khó khăn, nhưng không có địa phương nào biên soạn và công bố tăng trưởng GRDP thấp hơn tốc độ tăng 5,25% của cả nước, thậm chí vẫn có 21 địa phương tăng GRDP trên 10%. Kết quả là tốc độ tăng tổng GRDP của các địa phương lên tới 9,13%, gấp 1,74 lần so với tốc độ tăng GDP (5,25%) do Tổng cục Thống kê biên soạn...
Theo bà Nguyễn Thị Hương, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng chênh lệch này bao gồm khó khăn trong việc thu thập thông tin theo nguyên tắc thường trú của tài khoản quốc gia, dẫn đến có sự tính trùng giữa các địa phương; đội ngũ công chức, viên chức thống kê chuyên sâu tuy đã được nâng lên nhưng nhìn chung vẫn còn hạn chế và thiếu về số lượng…
![]() |
Toàn cảnh hội nghị |
Từ những hạn chế, bất cập đó, ngày 22/5/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 715/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Theo đó, Tổng cục Thống kê sẽ tập trung tính và công bố số liệu GRDP cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bắt đầu từ năm 2017.
“Sau 5 năm thử nghiệm và chính thức thực hiện đề án “Đổi mới quy trình biên soạn tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, công tác thống kê đã đạt được những kết quả nhất định”, bà Nguyễn Thị Hương nói.
Trình bày kết quả của việc đổi mới, hoàn thiện và thống nhất thực hiện quy trình biên soạn GRDP theo Đề án 715, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, số liệu GDP và GRDP giữa Trung ương và địa phương đã tương thích cả về quy mô và tốc độ. Số liệu GRDP đã được hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhất quán sử dụng trong quản lý, điều hành và hoạch định chính sách.
Trước đây, chênh lệch giữa GDP và GRDP rất là lớn, tổng 63 tỉnh thành lớn hơn rất nhiều của cả nước, bây giờ đã được rút ngắn đáng kể còn dưới 4%. Nếu giai đoạn 2011-2015, có 62/63 tỉnh thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân trên 10% (trong khi tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả nước thực tế chỉ đạt 5,91%), thì giai đoạn năm 2016-2020 chỉ còn 16/63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch tăng trưởng GRDP trên 10%.
Những kết quả tích cực của việc thực hiện Đề án 715 đã góp phần quan trọng trong xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam; phục vụ kịp thời các hoạt động quản lý, điều hành hoạt động kinh tế xã hội của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương.
Tuy nhiên bên cạnh những tác động tích cực, ông Lê Ngọc Bảy, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Cần Thơ cũng nêu lên một số bất cập trong quá trình thực hiện đề án. Theo đó, hiện nay, một số hoạt động kinh tế chưa được thu thập đầy đủ. Việc thu thập thông tin đầu vào một số đơn vị đối với Cục Thống kê còn khó khăn như: Ước tính các chỉ tiêu thu, chi ngân sách nhà nước; Thu thuế hải quan; Hoạt động kinh doanh xổ số…
Ngoài ra, thông tin tình hình sản xuất, kinh doanh của các đơn vị hạch toán toàn ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty do Tổng cục Thống kê phân bổ, khi lãnh đạo yêu cầu giải trình tăng, giảm bất thường thì không có cơ sở giải trình; Thời gian dành cho công tác rà soát giá trị sản xuất (GO) và cho ý kiến đóng góp về kết quả GRDP giữa Cục Thống kê với Tổng cục Thống kê quá ngắn, không đảm bảo công tác rà soát, đối chiếu hiệu quả nhất…
Để giải quyết được những bất cập này, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia đã đưa một số kiến nghị. Theo đó, cần tiếp tục đổi mới hoàn thiện quy trình và các quy định về biên soạn và công bố GRDP; Hoàn thiện công cụ tính toán, nâng cao số lượng và chất lượng nguồn thông tin đầu vào; Cung cấp kịp thời thông tin, tăng cường chia sẻ thông tin; xây dựng ký kết và thực hiện có hiệu quả quy chế, thỏa thuận trao đổi chia sẻ thông tin thống kê…
Bên cạnh đó, ông Hoàng Xuân Nam, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê (Bộ Tài chính) mong muốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động cung cấp số liệu GDP, GRDP cho Bộ Tài chính theo định kỳ hàng tháng, quý, năm để Bộ Tài chính khai thác sử dụng và cung cấp cho các cơ quan tài chính địa phương để phục vụ công tác điều hành, lập kế hoạch, đánh giá tài chính ngân sách nhà nước và địa phương, đảm bảo tính nhất quán về dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước.
Đồng thời, "để tránh trùng lắp trong quá trình thống kê cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu xây dựng cấu trúc tận dụng dữ liệu và tránh dữ liệu riêng lẻ, thiếu nhất quán có giá trị sử dụng không cao để nâng cao chất lượng thống kê", ông Hoàng Xuân Nam bày tỏ.
Hương Giang