Hoàn thiện hệ thống chính sách dựa trên bằng chứng
09:51 | 11/12/2020
“10 năm xây dựng Hệ thống Thống kê cộng đồng ASEAN (ACSS), hoạt động thống kê trong cộng đồng ASEAN đã có sự phát triển vượt bậc. Nhiều thông tin được cập nhật đăng tải thường xuyên giúp Chính phủ các nước xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng”, Phó Tổng Thư ký ASEAN Michael Tene phát biểu tại Diễn đàn Hệ thống Thống kê cộng đồng ASEAN.
Cần cơ chế kết nối
Chia sẻ về nhu cầu thông tin thống kê, TS. Trần Thị Bích - Trưởng khoa Thống kê trường Đại học kinh tế quốc dân cho biết, các trường đại học có nhu cầu khổng lồ về thông tin thống kê để giảng dạy và nghiên cứu. Ví như trường Đại học kinh tế quốc dân là trường hàng đầu về kinh tế, quản lý và kinh doanh đồng thời là một trong những cơ quan tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô cho Chính phủ. Vì vậy, nhu cầu thông tin chính thức cũng như thông tin thống kê thô rất lớn cho đội ngũ 800 giảng viên và hơn 40.000 sinh viên đại học để viết luận văn và các đề tài nghiên cứu khoa học, viết báo và tham luận.
![]() |
Quang cảnh diễn đàn |
Cho biết, tháng 7/2020 trường và Tổng cục Thống kê (GSO) đã ký kết biên bản ghi nhớ về vấn đề này, song bà Bích nhấn mạnh thêm GSO cần xây dựng cơ chế hỗ trợ chia sẻ để trường có thể tiếp cận dữ liệu thông tin đặc biệt là thông tin thô. Ở chiều ngược lại các chuyên gia cũng cho rằng các nghiên cứu báo cáo từ các trường cũng là một nguồn quan trọng cần đưa vào trong hệ thống thống kê, mà các cơ quan thống kê cần lưu ý.
Câu chuyện chia sẻ từ Thông tấn xã Việt Nam lại cho thấy tính hai mặt của cơ quan báo chí vừa là đơn vị sử dụng thông tin, song cũng lại chính là một nguồn thông tin mà các cơ quan thống kê và xây dựng chính sách có thể thu thập giúp các nhà hoạch định chính sách có thông tin tốt nhất để ra quyết định dựa trên bằng chứng.
Tầm quan trọng của thông tin thống kê trong bối cảnh mà điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị thế giới có nhiều thay đổi và biến động do đại dịch Covid-19 gây ra đã khiến Cơ quan Thống kê LHQ đưa ra quan điểm hành động của thống kê thế giới là: “Kết nối thế giới bằng số liệu tin cậy - Connecting the World with data We can trust”. Hội nghị Thống kê thế giới tổ chức năm 2007 tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra khẩu hiệu: “Thống kê - Tri thức - Chính sách”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của sự hợp tác phổ biến thông tin thống kê giữa ngành Thống kê với các cơ quan báo chí ở cả trung ương và địa phương.
Những khoảng trống cần bù lấp
Quyền Vụ trưởng Vụ Thống kê nước ngoài và Hợp tác quốc tế, Tổng Cục thống kê Hoàng Thị Thanh Hà cho biết, trong những năm qua, công tác thống kê của Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc đặc biệt là kể từ khi tham gia ACSS. Năm 2010, điểm số năng lực thống kê chung của Việt Nam chỉ đạt 64,44 điểm, đứng gần cuối trong khu vực ASEAN song đã dần nâng lên năm 2015 và 2018 lần lượt tương ứng đạt 82,22 điểm và 83,33 điểm.
Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề cần phải cải thiện tốt hơn. Như chỉ số dữ liệu mở của Việt Nam năm 2020 đứng thứ 6 trong khu vực. Tuy nhiên nhìn vào kết cấu chỉ số cũng cho thấy những thách thức khi 2 cấu phần của chỉ số này là Chỉ số “phạm vi” của Việt Nam đạt rất cao (0,95), tuy nhiên Chỉ số “độ mở” chỉ đạt 0,53.
Hay như từ năm 2018, tính sẵn có của số liệu GDP hàng năm của Việt Nam giảm, mặc dù cao hơn mức trung bình của ASEAN trong 2018, nhưng thấp hơn mức trung bình của ASEAN năm 2019. Từ năm 2015 đến nay, ngoại trừ năm 2018, tính sẵn có số liệu GDP quý của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của ASEAN. Tính sẵn có của chỉ tiêu xã hội hàng năm của Việt Nam thấp, chỉ ở mức 42,7% trong năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của ASEAN (60,1%). Về các chỉ tiêu tài chính của chính phủ, tỷ lệ dữ liệu sẵn có của Việt Nam là rất thấp trong những năm qua, chỉ ở mức 10,5%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của ASEAN.
Bà Hoàng Thị Quỳnh Mai - Trưởng phòng Cán cân thanh toán quốc tế thuộc Vụ Dự báo Thống kê NHNN cho biết, về công tác thống kê vốn đầu tư nước ngoài đến nay đầu mối là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh đó còn có NHNN, Bộ Tài chính. Trong đó NHNN chú trọng nguồn vốn ra vào thu chi thông qua tài khoản chuyên dùng của các DN FDI. Hiện NHNN đã phân tổ vốn cổ phần và vốn vay để nhìn rõ hơn về dòng vốn như vốn cổ phần khó rút trong vốn vay có tính chu kỳ, dễ biến đổi. Bà Mai cũng chỉ ra hiện các đơn vị làm thống kê chưa chú trọng đó chính là phần lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài chuyển về nước. Chưa thống kê được nguồn vốn của các DN có vốn đầu tư nước ngoài từ 10% đến 50% do giấy chứng nhận chỉ cấp cho những DN có trên 50% vốn góp nước ngoài và các DN này chưa cần thiết phải mở tài khoản chuyên dùng; NHNN cũng chỉ thống kê được dòng tiền mang vào trong khi đó họ mang cả công nghệ máy móc, và cũng không thống kê được phần lợi nhuận tái đầu tư, trong đó đây là cấu phần quan trọng trong việc đánh giá chất lượng đầu tư nước ngoài. “NHNN cũng đang cố gắng thu hẹp khoảng cách này”, bà Mai chia sẻ.
Mặc dù các đơn vị đều đã có phương án để hóa giải những bất cập trong công tác thống kê. Song từ những câu chuyên trên và các chia sẻ từ các câu chuyện đến từ các quốc gia ASEAN cho thấy bài toán chung cần phải giải để nâng chất lượng thống kê khu vực cũng như Việt Nam đó là đổi mới phương thức thu thập thông tin. Trong đó sử dụng cơ chế về dữ liệu mở; đổi mới phương thức thu thập dữ liệu phi truyền thống ứng dụng CMCN4.0 như sử dụng dữ liệu, lớn trí tuệ nhân tạo để xử lý những vấn đề, những khoảng trống của dữ liệu thông tin như nền kinh tế chưa được quan sát, gia tăng niềm tin của người dân về hệ thống thống kê. Đồng thời cũng cần bổ sung nguồn nhân lực và cả nguồn lực vật chất cho công tác thống kê. Đặc biệt cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan làm công tác thống kê, phối hợp giữa cơ quan làm thống kê và người sử dụng thông tin thống kê để nâng cao chất lượng thông tin thống kê, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng chính sách.
P.V