![]() |
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch VCCI, thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình CSI 2020 chúc mừng các doanh nghiệp |
Tới dự và chúc mừng các doanh nghiệp có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
100 doanh nghiệp xuất sắc nhất, đi đầu trong thực hiện phát triển bền vững năm 2020 đã được vinh đanh tại Lễ Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức long trọng tối ngày 10/12/2020.
Buổi lễ tôn vinh này nằm trong hoạt động thường niên của Chương trình thường niên Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (Chương trình CSI) bắt đầu từ năm 2016. 5 năm nay chương trình này đã đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ và sức lan tỏa nhất định trong cộng đồng doanh nghiệp nước nhà.
Năm 2020 không chỉ đánh dấu 05 năm hành trình Chương trình CSI, mà còn ghi dấu mốc son 10 năm hoạt động của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam. Sau một thập kỷ bền bỉ, VBCSD đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy kinh doanh, giúp phần lớn doanh nghiệp Việt từ hiểu mơ hồ đến hiểu đúng và thực hiện phát triển bền vững toàn diện;
Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam, và Bộ chỉ số CSI đã thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững và quản trị doanh nghiệp bền vững thông qua, thúc đẩy doanh nghiệp triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn.
VBCSD không chỉ thúc đẩy áp dụng CSI đối với từng doanh nghiệp mà còn hướng đến các ngành nghề, như xây dựng Bộ chỉ số CSI riêng biệt cho ngành chế biến thuỷ sản, da giày – túi xách;
VBCSD cũng là cầu nối giúp Chính phủ hiểu hơn về doanh nghiệp thông qua các hoạt động đối thoại và kiến nghị chính sách về phát triển bền vững, với dấu ấn sắc nét trong chuỗi Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) từ năm 2014, Hội nghị Toàn quốc về Phát triển bền vững (2018, 2019).
Tại buổi lễ, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD phát biểu: Bất kỳ quốc gia hay nền kinh tế hay bất kỳ doanh nghiệp nào cũng muốn nhận diện được cơ hội trong thách thức, nhưng để làm được điều đó, để thực sự có thể “biến thách thức thành cơ hội” khi khủng hoảng xảy ra, thì sẽ cần đến sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quản trị rủi ro bài bản trong một thời gian dài trước đó. Đây cũng chính là ý nghĩa của việc phát triển bền vững doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp đang có mặt ở đây ngày hôm nay chính là những ví dụ tiêu biểu nhất về tác động của chiến lược phát triển bền vững mà các bạn đã kiên trì theo đuổi trong nhiều năm đã giúp doanh nghiệp trụ vững trong thời đại dịch”,TS. Vũ Tiến Lộc nói.
![]() |
Nhiều những việc làm cụ thể, những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn và những ý đồ, những tham vọng về một tương lai bền vững đã được chia sẻ. Là một điển hình với năm thứ 5 liên tiếp doanh nghiệp này vẫn trụ vững ở top 3 của Chương trình phát triển bền vững này HEINEKEN Việt Nam đã có nhiều sáng kiến và thành tựu nổi bật.
Đại diện HEINEKEN chia sẻ, doanh nghiệp này tiếp tục áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn mang tên RESOLVE, đã sử dụng 100% nhiệt năng tái tạo, 100% chai và két bia sau khi ra thị trường đều được thu hồi trở lại về nhà máy, 100% vỏ lon bia có thể tái chế, hơn 2.000 tấn khí thải CO2 cũng được cắt giảm từ việc tối ưu hóa khâu kho vận và phân phối. HEINEKEN Việt Nam gần như không phát sinh chất thải chôn lấp, bởi 99% chất thải hoặc phụ phẩm đều được tái chế hoặc tái sử dụng.
Đến năm 2025, HEINEKEN Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu phát triển bền vững đầy tham vọng, bao gồm: Không chất thải chôn lấp, 100% Nước được bù hoàn; và Sử dụng 100% năng lượng tái tạo.
“Tôi tin rằng câu chuyện thành công của HEINEKEN Việt Nam sẽ truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp mong muốn phát triển theo con đường bền vững”, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VBCSD phát biểu.
Tiếp tục truyền cảm hứng cho cộng động doanh nghiệp, trong buổi lễ long trọng, người đứng đầu VCCI đồng thời là Chủ tịch VBCSD chia sẻ: Ở thời đại này, chúng ta không chỉ nói đến kinh doanh đơn thuần, mà chúng ta phải đến kinh doanh có trách nhiệm. Chúng ta không chỉ nói đến phát triển chung chung, chúng ta phải nói tới phát trển bền vững - kinh doanh có trách nhiệm và phát triển bền vững là sứ mệnh của chúng ta.
Covid-19 chỉ là điểm khởi đầu của chuỗi những biến đổi khó khăn mà nhân loại sẽ phải đối mặt trong thập niên tới đây. Mất cân bằng sinh thái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, dịch bệnh có thể còn gây ra những thiệt hại khủng khiếp hơn rất nhiều so với cuộc khủng hoảng hiện nay. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cần nhận thức lại yêu cầu và nội hàm của sự phát triển bền vững.
Khả năng chống chịu đang trở thành một năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế và các doanh nghiệp. Và để tăng cường khả năng chống chịu, thì cần phải thay đổi tư duy kinh doanh, nhìn nhận phát triển bền vững như một con đường tất yếu và duy nhất giúp doanh nghiệp trụ vững trên thương trường, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam mở cửa hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới như hiện nay.
"Phát triển bền vững là giấy thông hành để doanh nghiệp đi vào thị trường thế giới và căn cước của một công dân có trách nhiệm trong nền kinh tế toàn cầu", TS. Vũ Tiến Lộc cho hay.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kinh-doanh-co-trach-nhiem-phat-trien-ben-vung-la-su-menh-cua-doanh-nghiep-109707.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.