Cụ thể, trong quý III/2020, tổng thu nhập hoạt động của 21 ngân hàng niêm yết tăng 12,6% so với quý trước và 10,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết giảm nhẹ 1% so với quý II/2020 và tăng 6,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh 29,5% so với quý II/2020 và tăng 19,8% so với cùng kỳ.
Nhìn từ dữ liệu từ báo cáo FiinPro cho thấy, NIM của 21 ngân hàng niêm yết tăng 9,7 điểm cơ bản (bps) so với quý trước lên 0,89%. Đây là mức NIM cao nhất tính theo quý và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ quý I/2018 – giai đoạn tăng trưởng mạnh của ngành ngân hàng. Để có được mức NIM cao này, các ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất cho vay bình quân của 20 ngân hàng (trừ BVB) ở mức 9,2%. Chính vì thế, tác động của việc giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên thu nhập lãi của ngân hàng đã giảm trong quý III/2020.
Nhờ đó, ngân hàng duy trì được lãi suất cho vay, thu nhập lãi cho vay khách hàng của 20 ngân hàng (trừ BVB) đã tăng 5,2% trong khi thu nhập lãi từ chứng khoán nợ chỉ tăng 0,8% so với quý . Điều này cho thấy tăng trưởng NIM và thu nhập lãi thuần phần lớn đến từ cho vay khách hàng. Một số ngân hàng có tỷ trọng lãi từ đầu tư chứng khoán nợ cao (trên dưới 20%), bao gồm TCB, VBB (Vietbank), TPB và MBB.
Bên cạnh đó, điểm nhấn trong quý III/2020 là lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh, bán chéo bảo hiểm và đặc biệt là tăng trưởng mạnh của hoạt động môi giới/ bảo lãnh (chủ yếu liên quan đến kinh doanh trái phiếu), trong khi các quý trước đó đến từ thu nhập đầu tư chứng khoán. Tín dụng cá nhân ở một số ngân hàng có dấu hiệu hồi phục trở lại đã góp phần vào việc tăng lợi nhuận, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ trọng tín dụng bán lẻ cao.
Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu (NPL) tiếp tục tăng so với thời điểm cuối năm 2019 và hai quý liền kề trước đó. Cơ cấu cho vay theo ngành tập trung vào dịch vụ cộng đồng và cá nhân, sản xuất và thương mại. Các ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng giá trị danh mục chứng khoán (chủ yếu là trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp) trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Về cân đối vốn và thanh khoản tại các ngân hàng, các nhà phân tích nhận định, tỷ lệ dư nợ cho vay/ tiền gửi (LDR) tiếp tục giảm xuống trong quý III/2020 do tiền gửi khách hàng tăng trưởng nhanh hơn cho vay khách hàng và trong khi lãi suất bình quân liên ngân hàng giảm xuống mức thấp kỷ lục. Cơ cấu kỳ hạn cho vay không thay đổi nhiều, tuy nhiên tỷ trọng tiền gửi dưới 3 tháng tiếp tục giảm nhẹ trong tổng cơ cấu huy động.
Dự báo tăng trưởng 2020 khối ngân hàng, các chuyên gia của Fiin Group cho rằng, kết quả kinh doanh của các ngân hàng đã có những dấu hiệu khả quan dù lợi nhuận sau thuế năm 2020 của các ngân hàng chịu ảnh hưởng từ sức khỏe của nền kinh tế trong bối cảnh Covid-19 và chính sách liên quan như Thông tư 01 và việc kiểm soát được dịch bệnh và kinh tế hồi phục hồi.
Dự kiến các ngân hàng niêm yết sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 10,2% trong năm 2020, giảm đáng kể so với mức tăng trưởng các năm trước nhưng vẫn là mức khả quan trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp theo dự đoán là suy giảm so với năm trước.
Riêng trong quý IV/2020, NIM của các ngân hàng vẫn sẽ ở mức cao do lãi suất huy động tiếp tục giảm. Ngoài ra, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và các hoạt động còn lãi vẫn tăng trưởng so với quý III/2020, trong khi CIR cũng tăng trong quý cuối cùng như những năm trước. Ngoài ra, các ngân hàng sẽ cân đối kết quả kinh doanh với việc trích lập dự phòng trong quý này để phần nào dự trù cho tương lai khi Thông tư 01 hết hiệu lực.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/fiin-group-chi-phi-du-phong-rui-ro-tin-dung-tang-khien-loi-nhuan-ngan-hang-sau-thue-giam-nhe-109698.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.