Cùng nắm tay sẵn sàng ra “biển lớn”

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong việc mở cửa thị trường xuất khẩu của Việt Nam cũng như các nước ASEAN ra khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới lên tới 2,2 tỷ dân. Theo giới chuyên gia, trong thời gian tới đây, DN trong nước cần liên kết, nỗ lực nâng cao nội lực để sẵn sàng cùng nhau đi ra “biển lớn”.
cung nam tay san sang ra bien lon Xuất khẩu của Ấn Độ có nguy cơ mất thị phần vì RCEP
cung nam tay san sang ra bien lon Nhắc đến RCEP, nhớ tới Việt Nam
cung nam tay san sang ra bien lon CEO HSBC Việt Nam: RCEP có thể giúp các doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường xuất khẩu

Thị trường xuất khẩu “không bao giờ cạn”

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, khi RCEP có hiệu lực Việt Nam sẽ được hưởng lợi đầu tiên đó là về xuất khẩu. Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có hoạt động xuất khẩu tốt, trong 11 tháng qua xuất khẩu vẫn tăng trưởng trên 5%. Nhưng nếu hiệp định RCEP được thực thi, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ tốt hơn, ít rủi ro trong khó khăn về mặt thị trường.

Đồng thời, RCEP cũng góp phần tạo động lực cho nhà đầu tư nước ngoài tìm đến các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, bởi lẽ RCEP lấy các nước ASEAN là trung tâm, nhất là trong bối cảnh vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài cũng có cân nhắc dịch chuyển đầu tư sang các nước Đông Nam Á. Với hiệp định này cùng một số hiệp định đã được ký kết trước đó sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn.

cung nam tay san sang ra bien lon
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, cùng với quá trình ký kết RCEP, những hợp tác giữa các nước Đông Nam Á và các nước khác cũng có thể siết chặt hơn, sẽ có nhiều sáng kiến để phát triển, nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo ông Dương, Việt Nam có thể đề xuất các nước khác hỗ trợ về mặt kỹ thuật… để nâng cao năng suất lao động.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: Điểm khác biệt của RCEP với các hiệp định khác đó là không mở cửa thị trường bằng thuế mà hướng tới trung tâm ASEAN, tạo thuận lợi về thương mại, không gian kết nối cho các nước ASEAN và đối tác. “Việc chúng ta tiếp xúc với một thị trường rộng lớn, nền kinh tế mạnh, sức mua lớn, những thị trường không bao giờ cạn sẽ giúp cơ hội mới về xuất khẩu được mở ra. Bên cạnh đó, việc nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, là những nước trong cùng khối hiệp định sẽ giúp giá thành rẻ hơn, nâng cao sức cạnh tranh cho các DN”, ông Phú nhấn mạnh.

Dưới góc độ của ngành hàng nông sản - một ngành được đánh giá hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam kỳ vọng, RCEP sẽ giúp Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản chính ngạch để xuất khẩu đi các nước, trong đó có Trung Quốc.

Đi cùng nhau để đi xa hơn

Tuy nhiên theo ông Vũ Vinh Phú, sự cạnh tranh từ mỗi hiệp định đều rất lớn, nhất là với RCEP. Vì vậy, trong quá trình chuẩn bị này, DN cần tìm hiểu kỹ về hiệp định, đồng thời đầu tư về công nghệ để nâng cao nội lực, chấp nhận cạnh tranh, xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, DN Việt đang yếu về kỷ luật thị trường, tương tác yếu vì vậy phải đi cùng nhau để đi xa hơn.

Còn theo ông Nguyễn Anh Dương, bước chuẩn bị cho việc hiệp định chính thức có hiệu lực là vô cùng quan trọng. Theo đó, Việt Nam cần chuẩn bị từ việc nâng cao năng lực cho DN trong nước, thông tin rộng rãi về hiệp định trong cộng đồng DN, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, môi trường kinh doanh. “Đó là bước đi bài bản, thực tế trong giai đoạn Việt Nam thực hiện EVFTA, những bước đi của các bộ, ngành trong thời gian qua đã chủ động hơn, cho ta hy vọng về việc thực thi RCEP sẽ tốt đẹp”, ông Dương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Dương cho rằng thách thức lớn nhất đó là bối cảnh các nền kinh tế của khu vực Đông Nam Á có cơ cấu xuất khẩu khá tương đồng, đặc biệt là ở trong chuỗi giá trị cũng như sản phẩm cuối cùng. Điều đó buộc DN Việt phải nâng cao quá trình chuẩn bị, càng sớm thì càng linh hoạt.

Đây là cơ hội để chứng minh khả năng linh hoạt của DN, giúp DN nâng cao nội lực, tính cạnh tranh, có chỗ đứng vững chắc trong khu vực trước khi ra biển lớn.

Theo các chuyên gia, rất nhiều nghiên cứu cho thấy, quá trình cải cách của nhà nước cũng như DN chuẩn bị càng sớm thì hiệu quả, lợi ích càng cao. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị cần mau chóng xây dựng quy hoạch các khu công nghiệp để kêu gọi và đầu tư vào phần cung thiếu hụt, nếu không Việt Nam sẽ không được hưởng lợi ích từ các FTA.

Trong lĩnh vực nông sản, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, dù có lợi thế về nông sản, tuy nhiên nếu muốn được hưởng lợi tối đa từ các hiệp định thì Việt Nam phải cải tiến chất lượng trồng trọt đi kèm với số lượng. “Nếu có thị trường nhưng không có hàng đủ tiêu chuẩn giao thì cũng trở nên vô nghĩa”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cung-nam-tay-san-sang-ra-bien-lon-109454.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.