![]() | Hàng Việt bỏ quên thị trường Halal |
![]() | Phát triển công nghiệp Halal tại ASEAN |
Thị trường thực phẩm Halal (dành cho người Hồi giáo) toàn cầu có tiềm năng rất lớn, ngày càng phát triển nhanh tại khắp các châu lục từ châu Á, Trung Đông - châu Phi cho tới châu Âu và châu Mỹ. Thế giới có gần 2 tỷ người Hồi giáo với mức chi tiêu cho thực phẩm Halal dự báo là 1.400 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng hơn 10 lần lên tới 15 nghìn tỷ USD vào năm 2050.
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nhu cầu về sản phẩm Halal gia tăng mạnh không chỉ vì sự tăng nhanh của dân số Hồi giáo mà còn phản ánh xu hướng nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn ngày càng ưa chuộng các sản phẩm Halal do đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường…
![]() |
Việt Nam có nhiều sản phẩm đạt Chứng nhận Halal như trà, cà phê, hạt sachi, thủy hải sản… |
Trong khi nhu cầu toàn cầu trị giá tới 1,93 triệu tỷ USD về thực phẩm Halal mới chỉ đáp ứng được xấp xỉ 10%. Các thị trường lớn tiêu thụ thực phẩm Halal như Malaysia, Indonesia, Brunei và Trung Đông đều đang rất quan tâm đến các sản phẩm của Việt Nam.
Bởi Việt Nam nổi lên là một trong những cường quốc xuất khẩu nông, thủy sản trên thế giới với đa dạng các sản phẩm như gạo, cao su, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá… Thêm nữa, Việt Nam có những lợi thế quan trọng, như một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, vị trí địa lý gần châu Á với hơn 62% dân số Hồi giáo, đồng thời, tích cực triển khai đề án phát triển với các nước Trung Đông - châu Phi nơi có hơn 30% dân số Hồi giáo… nếu tận dụng tốt có thể giúp xuất khẩu của Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal.
Đánh giá cao lợi thế là một nước xuất siêu nông, lâm, thủy sản trong 10 năm qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thực phẩm Halal toàn cầu, mang lại cơ hội lớn cho nhiều công ty.
Hàng năm, chỉ riêng tiêu dùng thực phẩm lên tới hơn 600 tỷ USD là những con số ấn tượng đối với bất kỳ một ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm trên thế giới. Trong số các nước Hồi giáo, khu vực Trung Đông với điều kiện tự nhiên, thời tiết, đất đai thổ nhưỡng không thuận lợi và phù hợp cho sản xuất nông nghiệp, không đáp ứng được nhu cầu lương thực trong nước do vậy hầu hết các nước Trung Đông phải nhập khẩu số lượng rất lớn mặt hàng lương thực, thực phẩm (nhập khẩu 80% hàng hóa lương thực, thực phẩm, tương đương khoảng 40 tỷ USD mỗi năm). Trong khi cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của khu vực khá phù hợp với những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh và nhu cầu cao của Việt Nam, thuế nhập khẩu của khối GCC khá thấp từ 0-5%.
Dự báo tới năm 2025, thực phẩm có dấu chứng nhận Halal sẽ chiếm 20% tổng giá trị thực phẩm tiêu thụ trên toàn thế giới. Dù tỷ lệ người Hồi giáo chiếm khoảng 23% dân số thế giới, nhưng chỉ có một số ít quốc gia sản xuất các sản phẩm Halal, cho thấy dư địa của ngành công nghiệp Halal còn rất lớn. Vì vậy, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Hồi giáo là một hướng đi có tiềm năng với các quốc gia có thế mạnh trong sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Minh Hoan khuyến nghị tới sự cần thiết phải tìm hiểu thị trường, văn hóa tiêu dùng và tập quán kinh doanh thì doanh nghiệp Việt Nam mới mong có thể khai phá thị trường này. Mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Hồi giáo sẽ cải thiện năng lực thị trường của Việt Nam và mở ra các cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, tại nhiều quốc gia chú trọng phát triển du lịch, không chỉ thực phẩm được cấp chứng nhận Halal, mà cả các dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, spa, phương tiện vận chuyển khách du lịch, đồ lưu niệm, dược phẩm, đồ dùng... đều có chứng nhận Halal tạo thành hệ sinh thái bài bản, gây dựng được sự tin tưởng, giúp du khách cộng đồng Hồi giáo cảm thấy được thoải mái nhất...
Và thực phẩm Halal chính là cầu nối giữa các nền văn hóa. Du lịch góp phần quan trọng giúp mở rộng giao lưu nhân dân giữa Việt Nam với các nước Hồi giáo và thúc đẩy giao lưu văn hóa, đưa các công dân từ các nước Hồi giáo sang Việt Nam... Việt Nam cũng chú trọng tạo ra hệ sinh thái du lịch - dịch vụ có chứng nhận Halal để thu hút du khách tới từ các quốc gia Hồi giáo.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thuc-day-thuc-pham-halal-viet-nam-ra-the-gioi-109346.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.