![]() |
Hội nghị được tổ chức trực tuyến và trực tiếp, với chủ đề “Phát triển Cơ sở Hạ tầng Tài chính để Hỗ trợ Phục hồi Kinh tế Hậu COVID-19 ở châu Á-Thái Bình Dương” có sự tham gia của 150 đại diện từ các bộ, ngành và các cơ quan chính phủ, các tổ chức tài chính và tổ chức tư vấn chính sách, các công ty thu mua và xuất khẩu hàng đầu, các nhà cung cấp và nhà phân phối chuỗi cung ứng trong khu vực, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về các chính sách hỗ trợ mở rộng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong các chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Hội nghị lần này tập trung thảo luận các chủ đề đang được các nhà hoạch định chính sách ở các nền kinh tế đang phát triển của APEC quan tâm như môi trường chính sách thúc đẩy hoạt động của các tổ chức cho vay không nhận tiền gửi để mở rộng tín dụng cho các MSMEs và tài trợ chuỗi cung ứng, làm thế nào để chính phủ và các bên tham gia thị trường có thể hợp tác để phát triển dịch vụ định danh khách hàng điện tử (e-ID và e-KYC) trong nền kinh tế kỹ thuật số và tài chính kỹ thuật số, trong đó có tài trợ chuỗi cung ứng trực tuyến, và làm thế nào để các dịch vụ về cơ sở hạ tầng tài chính có thể hỗ trợ khôi phục nền kinh tế hậu COVID-19 nói chung.
Dịch vụ tài chính là một trong những yếu tố thiết yếu để cải thiện khả năng cạnh tranh của các chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng kết nối các nhà thu mua, các công ty cung ứng và các tổ chức tín dụng sẽ cho phép các nhà cung cấp và phân phối tối ưu hóa quản lý vốn lưu động bằng cách chuyển đổi các khoản phải thu và hàng tồn kho thành tiền mặt và tiếp cận tín dụng với chi phí thấp hơn. Các dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng còn cho phép các nhà cung ứng thực hiện nhiều giao dịch tài khoản mở hơn nữa, do đó có lợi thế thu hút các nhà thu mua toàn cầu hơn.
Kim ngạch ngoại thương của Việt Nam đã tăng lên trong những năm gần đây, với các hiệp định thương mại tự do đang mở ra cơ hội thị trường mới cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, việc thiếu vốn lưu động và các dịch vụ ngân hàng tài trợ giao dịch như tài trợ chuỗi cung ứng đã phần nào ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận các đơn đặt hàng lớn hoặc phát triển mối quan hệ mới với các đối tác trong chuỗi giá trị. Do đó, theo thống kê của Hệ thống Quốc gia Đăng ký Giao dịch Đảm bảo, số lượng các đăng ký giao dịch đảm bảo bằng các khoản phải thu và hàng tồn kho chỉ chiếm khoảng 30% tổng số các đăng ký, thấp hơn đáng kể so với các thị trường phát triển hơn.
Trong khi đó, tiềm năng của thị trường tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam được ước tính có thể đạt 33 tỷ USD vào năm 2018. Tuy vậy, để khai thác được tiềm năng này, Việt Nam cần cân nhắc các giải pháp cần thiết để phát triển thị trường. Hệ thống chính sách và hướng dẫn thực hiện liên quan đến tài trợ chuỗi cung ứng, sự phát triển của các công ty tài chính thương mại như công ty tài chính bao thanh toán và tổ chức cho vay không nhận tiền gửi, sự tham gia của các công ty quản lý tài sản đảm bảo, và nền tảng công nghệ và số hóa tài trợ chuỗi cung ứng... là những lĩnh vực cần sớm được cải thiện để thiết lập hệ sinh thái giúp tài trợ chuỗi cung ứng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trong thời gian tới.
Được biết, IFC cùng với sự hỗ trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), đang triển khai một dự án tư vấn thúc đẩy tài trợ chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam thông qua cải thiện khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng ngành, năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng và nhận thức của các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể phát triển kinh doanh, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/phat-trien-co-so-ha-tang-tai-chinh-ho-tro-phuc-hoi-kinh-te-hau-covid-19-109124.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.