![]() |
Toàn cảnh hội thảo |
Hội thảo có sự tham dự của đồng chí Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ; đồng chí Đậu Thị Mai Hương, Bí thư Đoàn Thanh niên NHTW, Phó Cục trưởng Cục II thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng… Ngoài ra, tham gia hội thảo còn của các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu và cán bộ, đoàn viên NHTW.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước đang có nhiều biến động phức tạp, khó lường, khó dự báo do tác động của đại dịch Covid-19, chương trình được tổ chức nhằm thảo luận và đưa ra những góc nhìn của các chuyên gia trước triển vọng kinh tế Việt Nam 2021 với ba phần gồm: Dịch Covid-19 và những tác động đến nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020, triển vọng năm 2021; Mối quan hệ Mỹ - Trung và sự chuyển dịch dòng vốn FDI sang Việt Nam; Chính sách của NHNN trong năm 2021 và những kỳ vọng của thị trường.
![]() |
Đồng chí Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết: Năm 2020, dịch Covid-19 đã gây nên những tổn thương không nhỏ đến nền kinh tế của Việt Nam, Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp điều hành nhằm ổn định nền kinh tế. Vì vậy, năm 2021 sẽ là một năm quan trọng khi vừa là năm đầu tiên nhiệm kỳ Chính phủ mới, vừa là năm đầu tiên phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Với nhiệm vụ trọng tâm của NHNN, trong năm 2021 chắc chắn sẽ kiên trì với mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp đồng bộ với chính sách vĩ mô khác của Chính phủ.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Huyền Dịu, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ đã điểm lại một số thông tin về những tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế trong năm 2020. Đồng thời đưa ra những quan điểm và dẫn chứng về triển vọng lạm phát, thị trường tiền tệ, ngoại hối, xuất khẩu, đầu tư FDI và động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam năm 2021.
“Năm 2020, Việt Nam đang có lợi thế hơn các quốc gia khác khi có kết quả kiểm soát dịch bệnh tốt, tích luỹ nhiều kinh nghiệm trong phòng dịch, dự báo tăng trưởng đang ở mức 2,12% cũng là con số đáng khích lệ. Năm 2021 sẽ chứng kiênh sự phục hồi trên tất cả các lĩnh vực khi các chủ thể của nền kinh tế bắt đầu thích nghi, lãi suất ngân hàng đang giảm kích thích tiêu dùng và đầu tư tư nhân tăng, chi đầu tư từ ngân sách nhà nước nhanh hơn. Đây cũng là cơ hội dịch chuyển luồng đầu tư vào Việt Nam…”, bà Nguyễn Huyền Dịu nói.
Bàn về những khó khăn của ngành Ngân hàng khi phải đối mặt với vấn đề nợ xấu, ông Phạm Anh Thái, Phó phòng Kế hoạch, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng, qua theo dõi số liệu của các ngân hàng thương mại đã niêm yết, tỷ lệ nợ xấu, nợ nhóm II có tăng nhưng không quá cao; lãi dự thu chia tài sản có sinh lời không tăng mạnh. Các ngân hàng dù thận trọng ít hay nhiều đều có trích lập từ rất sớm. Mức ảnh hưởng hiện nay không vấn đề gì nếu so với cuộc khủng hoảng năm 2011-2012 khi nợ xấu lên cao.
Trong bối cánh hiện nay, rõ ràng ảnh hưởng đến đến các ngành dịch vụ nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, trong khi với bản chất nền kinh tế Việt Nam thì sản xuất vẫn là chính. Về tiêu dùng, mức tiêu dùng qua nghiên cứu cho thấy đến 70%-80% đưa vào tiêu dùng ngay, tiết kiệm ít nên rủi ro về nợ xấu không quá lớn.
Bên cạnh đó, mối quan hệ Mỹ - Trung và sự chuyển dịch dòng vốn FDI sang Việt Nam cũng là một trong những vấn đề được nhiều đoàn viên quan tâm. TS. Phạm Sỹ Thành, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, động lực tăng trưởng hơn 2% trong 9 tháng đầu năm của nền tảng lề kinh tế Việt Nam mới được nhìn nhận “1 phía của đồng xu”. Việt Nam sản xuất không phải để tiêu dùng trong nước mà để xuất khẩu nên coi đây là nền tảng cũng được, rủi ro cũng được.
Nếu nhìn từ Trung quốc dù là một quốc gia lớn nhưng độ mở chỉ khoảng 4%, khuynh hướng ngày càng giảm, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu của thị trường bên ngoài nhưng khi bị đình trệ do dịch vẫn tăng trưởng hơn 2%.
"Chúng tôi cho rằng 2% đến từ khu vực nông nghiệp là chính, nếu tiếp tục đóng cửa chúng ta vẫn sẽ tăng trưởng từ 1,5-2% nhờ vào nông nghiệp và khu vực kinh tế phi chính thức", ông Thành nói.
Ngoài ra, tại hội thảo, ông Nguyễn Nhật Cường, Phó Trưởng phòng Sản phẩm đầu tư, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam cũng đưa một số nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán thế giới, các nhóm ngành dẫn dắt thị trường năm 2021 và một số điểm mới về Luật Chứng khoán sửa đổi.
Bên cạnh hoạt động thảo luận, tăng cường trao đổi thông tin, đại điện Đoàn Thanh niên NHTW và Chi đoàn Vụ Chính sách tiền tệ điều hành tổ chức phần thi hùng biện với 2 chủ đề “Việt Nam có nên xây dựng một gói kích thích kinh tế lần thứ 2 hay không?” và “Việt Nam nên chọn ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, đầu ngành hay tạo sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa?”. Thông qua phần hùng biện, Ban tổ chức mong muốn tăng cường kiến thức về chính trị, kinh tế… cho đoàn viên, thanh niên ngành Ngân hàng.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cung-thanh-nien-nhin-ve-trien-vong-kinh-te-viet-nam-nam-2021-108786.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.