Dự thảo Luật Biên phòng: Một số chức năng, nhiệm vụ của biên phòng đang trùng chéo với hải quan

Theo dự thảo Luật Biên phòng có một số điều khoản chức năng, nhiệm vụ của bộ đội biên phòng đang trùng chéo với cơ quan hải quan và nếu có buôn lậu, gian lận thương mại sẽ không xác định được trách nhiệm của cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện.

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi tới Chủ tịch Quốc hội và một số Ủy ban của Quốc hội và Bộ Tư pháp để góp ý về dự thảo Luật Biên phòng. Trong văn bản này, Tổng cục Hải quan cho biết, trong dự thảo Luật có nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng lấn với nhiệm vụ cơ quan hải quan chủ trì thực hiện trong địa bàn hoạt động hải quan.

Tổng cục Hải quan cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, từ tháng 1/2019, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa. Nhưng với dự án Luật Biên phòng Việt Nam trình Quốc hội ngày 21/10/2020, Tổng cục Hải quan vẫn thấy chức năng, nhiệm vụ của bộ đội biên phòng đang trùng chéo với cơ quan hải quan.

du thao luat bien phong mot so nhiem vu cua bien phong dang trung cheo voi hai quan
Hàng trăm kg ma túy dấu trong 11 pho tượng gỗ đã bị cơ quan hải quan bắt giữ tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo

Tại khu vực cửa khẩu có nhiều lực lượng thực thi pháp luật như hải quan, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch y tế, công an… Nhưng khoản 2 Điều 10, dự thảo viết: Nhiệm vụ của lực lượng biên phòng là đảm bảo việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Quy định như dự thảo được hiểu biên phòng là lực lượng giám sát, đảm bảo thi hành pháp luật ở tất cả các lĩnh vực của các lực lượng khác tại khu vực biên giới, cửa khẩu, trong khi chức năng này chỉ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và Mặt trận tổ quốc Việt Nam thực hiện.

”Vì vậy cần chỉ rõ giới hạn, phạm vi, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng của bộ đội biên phòng là đảm bảo thi hành pháp luật biên phòng”, Tổng cục Hải quan đề nghị.

Một nội dung nữa cần sửa là quy định về nguyên tắc phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng. Theo dự thảo, trên cùng một địa bàn thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng thì đơn vị nào phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trước thì lực lượng đó xử lý. Tổng cục Hải quan cho rằng, quy định như trên là không phù hợp, trùng chéo với nhiệm vụ của cơ quan Hải quan quy định trong Luật Hải quan. Theo Luật Hải quan, cơ quan hải quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Tổng cục Hải quan cho rằng nên sửa theo nội Luật Cảnh sát biển Việt Nam đó là ”lực lượng nào phát hiện trước phải xử lý theo thẩm quyền do pháp luật quy định. Tường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình thì chuyển giao hồ sơ, người, tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật cho cơ quan, tổ chức, lực lượng có thẩm quyền chủ trì giải quyết”.

Một nội dung khác, mà Tổng cục Hải quan lên tiếng là không giao cho Bộ đội biên phòng kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải qua lại biên giới. Trong dự thảo Luật Biên phòng thì: kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu và kiểm soát qua lại biên giới và kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật do Bộ Quốc phòng quản lý.

“Quy định này được hiểu là kiểm soát cả người và phương tiện xuất nhập cảnh dẫn đến quy định về quyền hạn của bộ đội biên phòng được kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện vận tải có dấu hiệu vi phạm ở khu vực cửa khẩu (thuộc địa bàn hoạt động hải quan). Như vậy là chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hải quan đã được quy định tại Luật Hải quan”, phía cơ quan Hải quan nêu ý kiến.

Theo quan điểm của Tổng cục Hải quan, quy định như dự thảo luật sẽ dẫn đến 2 cơ quan (hải quan và biên phòng) cùng thực hiện một nhiệm vụ làm thủ tục, kiểm tra, giám sát, kiểm soát cho 1 phương tiện xuất nhập cảnh; hàng hóa xuất nhập khẩu. Điều này dẫn đến tất cả các lực lượng tại cửa khẩu gồm hải quan, biên phòng, công an, kiểm dịch, Ban quản lý cửa khẩu… sẽ cùng thực hiện chức năng, kiểm tra, kiểm soát, làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện và người xuất nhập cảnh... Trường hợp phát sinh buôn lậu, gian lận thương mại thì sẽ không xác định được trách nhiệm của cơ quan, đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Nhà nước trong việc để xảy ra tình trạng này làm tăng rủi ro tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại.

Theo phía Hải quan, trong địa bàn hoạt động hải quan thì hải quan chủ trì kiểm tra, giám sát, kiểm soát toàn bộ phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu để thực hiện công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, vũ khí, chất độc, chất nổ, tài liệu phản động,.. đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng.

Cơ quan Hải quan đề nghị Luật Biên phòng chỉ nên quy định “Kiểm soát người xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý và kiểm soát qua lại biên giới theo quy định của pháp luật”.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Mai Xuân Thành cho biết, những điều mà Tổng cục Hải quan đề nghị sửa trong dự án luật này là để phù hợp với điều ước quốc tế, pháp luật hải quan, pháp luật về thuế, pháp luật khác liên quan đến quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh tại cửa khẩu biên giới, phù hợp định hướng cải cách bộ máy, thủ tục hành chính mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đề ra.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/du-thao-luat-bien-phong-mot-so-chuc-nang-nhiem-vu-cua-bien-phong-dang-trung-cheo-voi-hai-quan-108456.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.