Kể từ ngày cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, hiện tượng lợi đầu tư trá hình vào Việt Nam, hiện tượng nhập khẩu vào Việt Nam, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ ngày càng nhiều lên. Đã không ít vụ việc lợi dụng xuất xứ được cơ quan chức năng phát hiện.
Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) và Tổng cục Hải quan, cho đến nay đã có khoảng 19 mặt hàng xuất khẩu được xác định có nguy cơ cao bị phía Mỹ điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, bao gồm: xe đạp, gỗ, thép, tôn…
Cơ quan Hải quan đã sớm cảnh báo về hiện tượng này và cũng đã phát hiện, ngăn chặn một số vụ việc.
![]() |
Mô hình lẩn tránh xuất xứ hàng hóa. (Nguồn: Tô Xuân Phúc, Cao Thị Cẩm và Trần Lê Huy) |
Mới 2 tuần trước, trong một cuộc hội thảo về xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp ngành gỗ và hiệp hội doanh nghiệp trong ngành đã khá căng thẳng khi nói về tình trạng ngành này đang đối diện với nhiều vụ kiện chống phá giá.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, Mỹ áp mức thuế gỗ dán từ Trung Quốc lên đến 300% nên doanh nghiệp Trung Quốc khó xuất sang Mỹ, dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sang Việt Nam đầu tư để “núp bóng”, và không ít sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc đã xuất qua Việt Nam rồi sang Mỹ.
“Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra cơ hội rất lớn cho ngành gỗ mở rộng xuất khẩu, đặc biệt ở những thị trường chiến lược, nhưng rủi ro về gian lận thương mại cũng tăng lên. Ngăn chặn gian lận thương mại đang là vấn đề sống còn của ngành gỗ”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) đã phải thốt lên như vậy.
TS. Nguyễn Xuân Phúc, chuyên gia của tổ chức Forest Trends cho biết, nhìn trên số liệu xuất nhập khẩu đã thấy rõ tình trạng gian lận xuất xứ, lợi dụng xuất xứ. Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 9 tháng ước đạt 8,48 tỉ USD, tăng 12,4% so với cùng kì năm 2019. Hơn một nửa trong đó là xuất khẩu sang Mỹ. Và trong số hàng xuất sang Mỹ thì những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh chủ yếu là các mặt hàng mà phía Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp như tủ bếp, sofa,...
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tủ bếp từ Việt Nam sang Mỹ tăng trên 80%, kim ngạch xuất khẩu khung ghế sofa có khung làm từ gỗ dán sang Mỹ tăng trên 40%.
Ở chiều vào, nhập khẩu tủ bếp và các bộ phận làm tủ bếp từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng lên tới 153%, lượng nhập khẩu ghế sofa và bộ phận ghế sofa lên tới hàng nghìn m3 mỗi tháng.
Số nhà máy của Trung Quốc đầu tư vào sản xuất mặt hàng này tại Việt Nam cũng tăng vọt.
Bên cạnh đồ gỗ, các sản phẩm điện tử, máy móc và thiết bị dụng cụ… cũng đã vào tầm ngắm. Các chuyên gia VEPR cảnh báo nguy cơ và chỉ ra các mặt hàng xuất khẩu nhiều sang Mỹ chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác cũng là những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc.
“Sự tăng trưởng đột ngột của nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang Mỹ cho cùng một số loại mặt hàng nhiều khả năng chỉ thuần túy là tạm nhập tái xuất chứ không phải do khu vực sản xuất trong nước mở rộng”, PGS-TS. Phạm Thế Anh nói.
Khi Việt Nam trở thành điểm trung chuyển, bị lợi dụng xuất xứ thì không chỉ các doanh nghiệp bị thiệt hại mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, đến thương hiệu và uy tín Việt Nam, khiến Việt Nam bị kiện chống bán phá giá và bị điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.
Để ngăn nguy cơ Việt Nam trở thành nơi trung chuyển, là thị trường tạm nhập tái xuất của hàng hóa Trung Quốc, các bộ, ngành đã xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.
Các chuyên gia và doanh nghiệp đề nghị cơ quan hải quan tập trung lực lượng tiến hành điều tra sâu đối với gian lận xuất xứ trong một số ngành hàng cụ thể như thép, gỗ, hải sản, xe đạp, pin năng lượng...
Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng Việt Nam cần phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp trong việc xác định các mặt hàng rủi ro và các công ty có hành vi gian lận; xây dựng kênh kết nối thông tin giữa các hiệp hội gỗ và cơ quan quản lý nhằm cập nhật thường xuyên thông tin về các dấu hiệu gian lận từ đó xác định các biện pháp can thiệp kịp thời.
Theo một nghiên cứu vừa được công bố của các tác giả Tô Xuân Phúc, Cao Thị Cẩm và Trần Lê Huy, có hiện tượng nhiều công ty Trung Quốc đã dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam, sử dụng Việt Nam làm quốc gia xuất khẩu nhằm tránh thuế. Biểu hiện thấy rõ là có nhiều nhà máy mới được thành lập từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra. Một cách gian lận khác là doanh nghiệp Trung Quốc đang thuê pháp nhân một số doanh nghiệp của Việt Nam để nhập khẩu những sản phẩm đã hoàn thiện nhằm thuận lợi trong xuất khẩu sang Mỹ . Một số công ty được tách ra từ nhà máy đã được thành lập trước đó. Các công ty này có mối quan hệ trực tiếp với công ty mẹ tại Trung Quốc và công ty mẹ tại Trung Quốc này đang bị áp các mức thuế mới từ Chính phủ Mỹ. Khi xuất khẩu sản phẩm từ Việt Nam sang Mỹ, các công ty Trung Quốc này đều sử dụng mạng lưới phân phối /nhà nhập khẩu từ Mỹ được thiết lập bởi công ty mẹ từ trước đó. Và để tránh bị phát hiện thì họ làm cho chuỗi cung phức tạp lên bằng cách mua sản phẩm, vật liệu từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, khiến kiểm soát của cơ quan chức năng trở nên rất khó khăn. Vì chủ yếu là sử dụng nguyên vật liệu từ Trung Quốc nên nhà máy ở Việt Nam chỉ đầu tư đơn giản, thuê ít nhân công vì chỉ thực hiện khâu lắp ráp hoàn thiện sản phẩm. |
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/viet-nam-truoc-nguy-co-bi-loi-dung-xuat-xu-107980.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.