TS.Phạm Minh Điển – Phó trưởng Ban Chính sách và Phát triển HTX (Liên minh HTX Việt Nam) cho biết, trên thế giới đang có hơn 3 triệu HTX với 1,2 tỷ thành viên. 3 triệu HTX này có doanh thu vào khoảng 3.000 tỷ USD, đóng góp tới 10% GDP toàn cầu, tác động tới ½ dân số toàn cầu.
Còn ở Việt Nam, theo số liệu được ông Nguyến Tiến Định (Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam có 17.462 HTX nông nghiệp và 57 Liên hiệp HTX nông nghiệp với 3,78 triệu thành viên đóng góp 4% GDP. Doanh thu bình quân của HTX vào khoảng 2,44 tỷ đồng và lợi nhuận là 383 triệu đồng. Vai trò quan trọng của HTX không chỉ là đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà quan trọng hơn là nó tăng thu nhập cho 30% dân số cả nước.
![]() |
Ảnh minh họa |
Thực tế cho thấy vai trò rất cần thiết của mô hình HTX, mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra thì HTX càng thể hiện rõ vai trò. Càng ngày HTX càng phát huy vai trò trong liên kết kinh doanh và phát triển bền vững.
Nhấn mạnh vai trò của HTX trong phát triển bền vững, ông Định nêu lên 4 điểm nhấn: Thứ nhất là tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy chuẩn và phát triển vùng sản xuất hàng hóa: HTX thúc đẩy tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa để hình thành cánh đồng lớn để đưa cơ giới hóa vào, ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cao và giá thành hạ. HTX chính là người giám sát các hộ sản xuất sản xuất theo đúng quy trình tuân thủ quy định kỹ thuật…
Thứ hai, HTX thúc đẩy liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị. HTX cũng là đầu mối tiêu thụ sản phẩm, kết nối với bên bán sản phẩm, cá nhân nông dân bán sản phẩm sẽ bị ép giá, lật kèo… nhưng HTX là đại diện đứng ra đàm phán sẽ nâng cao vị thế của người nông dân… HTX cũng là đầu mối cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. HTX cũng là nơi tích tụ vốn để kết nối liên kết, đơn cử như doanh nghiệp rót vốn vào HTX, người nông dân góp vốn vào HTX để làm nên kho chứa lúa gạo.
Thứ ba, HTX là đầu mối tiếp nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn hỗ trợ khác tới các hộ, đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa mà doanh nghiệp không muốn vào.
Thứ tư, HTX thúc đẩy trách nhiệm xã hội và bình đẳng giới. Hiện có 10% các HTX đã xuất hiện ở vùng sâu vùng xa. Ông Điển lấy ví dụ, Sơn La là một tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất nước, lớn hơn Tiền Giang, trong đó 345 HTX ở tỉnh đóng vai trò quan trọng. HTX là nơi cung cấp giống, hỗ trợ sản xuất, tổ chức sản xuất thành vùng… từ đó đã kéo được 37 doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến hoa quả ở Sơn La.
Vai trò của HTX đã rõ. Chính sách hỗ trợ HTX cũng đã có nhiều. Nhưng thực tế còn nhiều bất cập và hạn chế, nhiều chính sách không tới được với HTX. Trong 5 năm 2015-2020 có 19.000 lượt HTX được hưởng chính sách hỗ trợ với 3.426 tỷ đồng. Mỗi năm có 3.000 HTX được hỗ trợ, mức bình quân là 180 triệu đồng/HTX, ông Điển cho biết.
Nhưng vẫn thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ HTX. Bên cạnh đó một số chính sách hỗ trợ được quy định trong Luật HTX vẫn chưa được thể chế hóa, đơn cử như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và một số loại thuế, phí khác hay ưu đãi hỗ trợ về giao đất, cho thuê đất, vay vốn ưu đãi thông qua quỹ hỗ trợ phát triển HTX…
Mới chỉ có 4% HTX được hỗ trợ đào tạo nhân lực, 6% HTX tiếp cận được chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, 4,1% HTX tiếp cận được chính sách về khoa học công nghệ…
TS.Nguyễn Thi Luyến – Phó trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, thực tiễn và kinh nghiệm thế giới cho thấy HTX đóng vai trò rất quan trọng trong liên kết kinh doanh phát triển bền vững, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp. HTX cũng là cầu nói giữa người sản xuất với người tiêu dùng.
Các chuyên gia đồng nhấn mạnh vai trò của hợp tác xã trong liên kết kinh doanh phát triển bền vững, liên kết kinh doanh trong chuỗi giá trị. Đây cũng là cách tái cơ cấu HTX. Vì vậy cần có chính sách pháp luật thuận lợi đối với HTX. HTX cần thuận lợi trong thu hút vốn của nhà đầu tư và được mở rộng phục vụ tới đối tượng khác không chỉ là thành viên HTX – điều này tạo thuận lợi cho HTX mở rộng hoạt động và tăng sức cạnh tranh với các tác nhân thị trường khác.
Tóm lại, để HTX phát triển như mục đích và mục tiêu đặt ra thì cần nhân rộng mô hình HTX, để HTX phát huy vai trò của mình thì trước hết là phải hoàn thiện khung pháp luật và cơ chế chính sách về HTX. Bên cạnh đó là cần bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ phát triển HTX.
Đồng thời HTX vẫn rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng hạ tầng và quảng bá tuyên truyền cho HTX. Các chính sách hỗ trợ HTX phải thiết thực hơn nên cần sửa đổi bổ sung chính sách hỗ trợ ưu đãi kinh tế cho HTX.
Và nhân tố tạo nên sự thành công của HTX trong vai trò liên kết kinh doanh phát triển bền vững chính là đội ngũ quản lý HTX có năng lực, có tầm nhìn – đây là điểm yếu và rất thiếu của HTX ở Việt Nam.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/khang-dinh-vai-tro-cua-htx-la-trung-tam-lien-ket-kinh-doanh-phat-trien-ben-vung-107966.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.