Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực về khu vực châu Á và Thái Bình Dương được công bố tuần trước, IMF cho biết kinh tế châu Á sẽ giảm 2,2% trong năm nay. Điều đó có nghĩa kinh tế khu vực sẽ tồi tệ hơn so với dự báo tháng 6 của IMF là chỉ suy giảm 1,6% và trái ngược với quyết định tăng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của nhà cho vay quốc tế này.
IMF cho biết việc hạ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế châu Á “phản ánh sự suy giảm mạnh hơn, đặc biệt là ở Ấn Độ, Philippines và Malaysia”. Theo IMF, Ấn Độ và Philippines đã chứng kiến sự sụt giảm “đặc biệt mạnh” trong hoạt động kinh tế trong quý hai, “do sự gia tăng liên tục các trường hợp lây nhiễm coronavirus và các đợt đóng cửa kéo dài”.
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo đó, kinh tế Ấn Độ được dự kiến sẽ giảm 10,3% trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2021, mạnh hơn nhiều so với mức giảm 4,5% mà IMF dự báo vào tháng Sáu. Trong khi kinh tế Philippines cũng được dự báo sẽ giảm 8,3% trong năm dương lịch 2020, mạnh hơn nhiều so với mức giảm 3,6% như dự báo trước đó của IMF. Còn Malaysia có thể sẽ giảm 6% trong năm nay, tệ hơn dự báo tháng 6 của IMF là giảm 3,8%.
Tuy nhiên không phải tất cả các nền kinh tế châu Á đều bị hạ triển vọng tăng trưởng. Hoạt động kinh tế trong khu vực đang di chuyển với “nhiều tốc độ”, trong đó Trung Quốc hiện đang dẫn đầu sự phục hồi và là một trong số ít nền kinh tế châu Á được dự kiến sẽ tăng trưởng trong năm nay. Cụ thể IMF đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2020 cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lên 1,9% thay vì mức 1% trong dự báo tháng 6 do “sự phục hồi nhanh hơn dự kiến trong quý II”.
“Sau khi chạm đáy vào tháng 2 năm 2020, tăng trưởng của Trung Quốc nhận được sự thúc đẩy từ cơ sở hạ tầng, đầu tư bất động sản và sự gia tăng xuất khẩu, chủ yếu là các thiết bị y tế và bảo hộ, cũng như các thiết bị điện tử liên quan đến công việc tại nhà. Tiếp theo là sự phục hồi dần dần trong lĩnh vực đầu tư và tiêu dùng tư nhân”, IMF cho biết. IMF cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng tốc lên 2,8% trong năm tới.
Sự phục hồi mạnh mẽ hơn ở Trung Quốc - cũng như ở Mỹ và khu vực đồng euro - sẽ hỗ trợ tăng trưởng của châu Á, nhưng việc khu vực này trở lại với khả năng kinh tế đầy đủ sẽ là “một chặng đường dài đầy khó khăn”, IMF cho biết.
Theo đó, kinh tế châu Á dự kiến sẽ phục hồi 6,9% vào năm 2021, tăng nhẹ so với mức 6,6% mà tổ chức này dự báo hồi tháng 6. Tuy nhiên, IMF cho biết sản lượng kinh tế của khu vực có thể sẽ duy trì dưới mức trước đại dịch trong một thời gian do “hiệu ứng sẹo”.
Thuật ngữ này đề cập đến thiệt hại trung và dài hạn đối với các nền kinh tế sau một cú sốc nghiêm trọng. IMF giải thích vết sẹo sẽ ám ảnh châu Á trên nhiều giác độ. Thứ nhất, nỗi sợ lây nhiễm và các biện pháp giãn cách xã hội đang làm giảm sút niềm tin của người tiêu dùng, điều này sẽ khiến hoạt động kinh tế ở mức dưới khả năng cho đến khi vắcxin được phát hành rộng rãi.
Thứ hai, các chỉ số thị trường lao động đang xấu đi “nhiều hơn” so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở phụ nữ và lao động trẻ tuổi. Thứ ba, nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào thương mại, nhưng tăng trưởng toàn cầu yếu, trong khi nhiều quốc gia vẫn đóng cửa để ngăn ngừa dịch bệnh, cộng thêm căng thẳng Mỹ-Trung đã làm xấu đi triển vọng phục hồi do thương mại dẫn đầu.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kinh-te-chau-a-se-suy-giam-manh-hon-du-bao-107903.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.