Liên quan đến thẩm quyền thẩm định báo cáo tác động môi trường đại biểu cho rằng, vấn đề này có ý nghĩa rất quan trọng. Những sự cố về môi trường, những tác động của môi trường theo chiều hướng xấu có nhiều nguyên nhân, nhưng chắc chắn có nguyên nhân do khâu đánh giá tác động môi trường của một số dự án chưa được thấu đáo.
“Tôi ủng hộ phương án 2, là giao cho UBND cấp tỉnh phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nội dung này trong Báo cáo giải trình của Thường vụ Quốc hội đã phân tích rất kỹ và tôi nghĩ rằng nếu theo phương án 2 sẽ thuận lợi cho việc đánh giá, thẩm định. Bởi vì, UBND cấp tỉnh, sẽ nắm rõ mức độ tác động của dự án đến môi trường tại địa phương và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc xác định trách nhiệm quản lý và cũng bảo đảm tính khách quan, vì tác động môi trường trực tiếp đến từng địa bàn thì trách nhiệm của UBND các địa phương sẽ phải thể hiện rõ”, đại biểu Hoa nêu quan điểm.
![]() |
Ảnh minh họa |
Về nguyên tắc BVMT, đại biểu Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên - Huế) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc công khai trong việc thực thi chính sách pháp luật về môi trường. Việc công khai, minh bạch cần được thực hiện trong các chính sách và sử dụng các nguồn kinh phí như Quỹ BVMT, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, qua đó tạo lòng tin đối với người dân và DN trong việc thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước về BVMT.
Trước đó, Giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc nguyên tắc “tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng thành phần môi trường, được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho BVMT”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường” và “người được hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho quản lý tài nguyên và BVMT” là nguyên tắc cơ bản trong công tác BVMT.
Về chính sách của Nhà nước về BVMT, có ý kiến đề nghị có cơ chế khuyến khích DN sản xuất có tác động tích cực đến môi trường, bổ sung chính sách tài chính phù hợp để bảo đảm lợi ích, duy trì hoạt động BVMT. Ông Phan Xuân Dũng cho biết, để cụ thể hóa chính sách khuyến khích DN tham gia BVMT, Dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ và các hoạt động đầu tư kinh doanh về BVMT được ưu đãi, hỗ trợ tại Điều 142 nhằm khuyến khích dự án đầu tư thuộc ngành nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải; thúc đẩy DN sản xuất, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, kinh doanh dịch vụ, sản phẩm thân thiện môi trường…
Để chủ động kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Dự thảo Luật cũng đã bổ sung 2 nội dung chính sách về sàng lọc dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí về môi trường; lồng ghép và thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án…
Về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, một số ý kiến đề nghị rà soát quy định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường cho phù hợp với với Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Xây dựng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều đại biểu đồng tình phương án 2, theo đó chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao - Nhóm I mới là đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Phương án 2 có ưu điểm là: (1) Giảm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án thuộc đối tượng phải quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao. Đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP hoặc dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không có tác động xấu đến môi trường, nhà đầu tư sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường, tiết kiệm được thời gian và chi phí; (2) Không bỏ sót đối tượng là các dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao. Các dự án này sẽ được đánh giá sơ bộ tác động về môi trường ở giai đoạn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trước khi nghiên cứu khả thi, thực hiện các bước tiếp theo của quá trình đánh giá tác động môi trường. Nhà đầu tư tránh lãng phí về tài chính, thời gian trong trường hợp dự án không đáp ứng được yêu cầu về BVMT ở ngay giai đoạn này.
Về tín dụng xanh, có ý kiến cho rằng quy định về tín dụng xanh cần gắn với các đạo luật chuyên ngành để bảo đảm tính đồng bộ; những chính sách mới này nên triển khai thí điểm dần từng bước như thông lệ quốc tế, đưa ngay vào luật sẽ khó khăn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tín dụng xanh đã được quy định là hoạt động BVMT được khuyến khích trong Luật BVMT 2014; hiện nay, NHNN Việt Nam đang triển khai loại hình tài chính này và được đánh giá là một loại hình sản phẩm tài chính tiềm năng. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng chưa có quy định cụ thể. Do vậy, để tạo hành lang pháp lý cho công cụ tín dụng xanh, Dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định cụ thể hơn nội hàm của tín dụng xanh. Đồng thời đã tiếp thu ý kiến về lộ trình thực hiện và bổ sung quy định giao Chính phủ ban hành lộ trình thực hiện và cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh để bảo đảm tính khả thi như tại Điều 150 của Dự thảo Luật.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nguoi-gay-o-nhiem-phai-tra-chi-phi-de-xu-ly-107890.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.