![]() | Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vì sự phát triển bền vững |
![]() | Sau Covid-19, kinh tế tuần hoàn là một sự lựa chọn |
![]() | Cần định danh cho nền kinh tế tuần hoàn |
![]() |
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội thảo |
Xu hướng đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Theo các chuyên gia, phát triển kinh tế tuần hoàn đang là một trong những hướng đi để doanh nghiệp phát triển bền vững.
“Phát triển kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành xu hướng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển có ít tài nguyên, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới đang ngày càng cạn kiệt”, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ.
Bởi, kinh tế tuần hoàn đem lại 4 lợi ích cơ bản thông qua tận dụng tối đa các nguồn lực, bao gồm tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, và đem lại lợi ích xã hội.
“Đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên của ngành kia, làm giảm rác thải, khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Mô hình kinh tế tuần hoàn đưa một phần hoặc toàn bộ về vòng sản xuất cũ, cấu trúc lại, sử dụng lại, do đó góp phần giảm tiêu thụ nguyên liêụ, giảm chi phí trong sản xuất cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, tính chất quan trọng của kinh tế tuần hoàn là giải quyết được vấn đề phát triển kinh tế gắn với môi trường. Việc chuyển đổi còn giúp bảo vệ an ninh nguồn cung nguyên liệu, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tạo ra các cơ hội việc làm mới.
![]() |
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại hội thảo |
Tại Việt Nam, cơ hội để phát triển kinh tế tuần hoàn là rất lớn. Theo PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang hướng đến Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó dưới áp lực của việc thiếu hụt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, lượng chất thải lớn nên nhu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn nhận được sự đồng thuận cao và ủng hộ của xã hội.
Thực hành kinh tế tuần hoàn
Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, có thể thấy các cách tiếp cận phát triển kinh tế tuần hoàn rất đa dạng với nhiều giải pháp đã đem lại hiệu quả. Đơn cử, toàn khối EU đã đưa ra kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn từ năm 2015 thay thế cho Đề xuất lập pháp về vấn đề chất thải - sự thay đổi về mặt triết lý.
Theo đó, kinh tế tuần hoàn không chỉ là vấn đề chất thải mà cần tiếp cận thực hiện 4 khâu/giai đoạn của vòng đời sản phẩm, bao gồm sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải, và biến chất thải trở lại thành tài nguyên.
Tại Pháp, Chính phủ đã bắt đầu xây dựng lộ trình kinh tế tuần hoàn từ năm 2017, với mục tiêu đến năm 2025 giảm một nửa lượng chất thải phải chôn lấp và tái chế 100% lượng rác thải nhựa.
Trước đó, tại Đan Mạch, từ năm 1961 đã xuất hiện mô hình “cộng sinh công nghiệp”, với khu công nghiệp Kalundborg giúp tận dụng năng lượng và vật liệu.
![]() |
Toàn cảnh hội thảo |
Trong phát triển kinh tế tuần hoàn, mô hình khu công nghiệp sinh thái được đặt ra như một yêu cầu tất yếu bởi một khu công nghiệp tái chế nước thải để sử dụng lại cho sản xuất có thể giảm được tới 40% lượng nước thải vào môi trường, cũng như giảm chi phí nước sạch đầu vào.
Bên cạnh đó, cơ hội tận thu nhiệt thải để sản xuất nước nóng và hơi cấp cho các nhà máy trong khu công nghiệp có tiềm năng giảm sử dụng 20-40% nhiên liệu đốt của một số doanh nghiệp.
Theo ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mô hình khu công nghiệp sinh thái đặt vấn đề môi trường cao hơn. Đơn cử, tỉ lệ cây xanh và giao thông phải đạt 25% thay cho tỉ lệ 20% ở khu công nghiệp bình thường.
Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, bà Lê Thị Ngọc Mỹ đã chia sẻ một số kinh nghiệm triển khai kinh tế tuần hoàn, tạo ra những giá trị bền vững cho môi trường trong quá trình sản xuất và hoạt động.
Tại hội thảo, đại diện Heineken chia sẻ mô hình kinh tế tuần hoàn Resolve, hiện 5/6 nhà máy của Heineken đã nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo với việc chuyển đổi sang sử dụng nguyên liệu sinh khối và thu mua gần 40.000 tấn vỏ trấu và các phế, phụ phẩm nông nghiệp; cắt giảm hơn 2.000 tấn khí thải Co2; không còn chất thải chôn lấp nhờ tài sử dụng và tái chế tới 99% chất thải hoặc phụ phẩm trong sản xuất…
Tuy nhiên, để phát triển rộng khắp mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn còn nhiều thách thức. Theo PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, việc tái sử dụng và tái chế chưa triệt để, công nghệ còn cũ và lạc hậu, mới chỉ chú trọng kinh tế, vì thế một số mô hình tái chế chất thải nhưng lại chính là nguồn phát sinh chất thải. Các doanh nghiệp sản xuất chưa phải là một vòng đầy đủ của kinh tế tuần hoàn, đặc biệt khâu thiết kế trong sản xuất chưa được chú ý.
Để giải quyết vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh đề xuất một số giải pháp trọng tâm như cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển kinh tế tuần hoàn, từ chủ trương của Đảng đến pháp luật của Nhà nước; phát triển kinh tế tuần hoàn cần phải dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa phương đã và đang triển khai các mô hình kinh tế gần với cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn…
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kinh-te-tuan-hoan-la-tuong-lai-cua-doanh-nghiep-107863.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.