Đa số các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo quy định. Bên cạnh đó, hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ theo quy định.
Theo đại biểu Trương Phi Hùng (Long An), Luật Phòng, chống HIV/AIDS thực hiện từ năm 2006 đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tình hình nhiễm HIV đã giảm trên cả 3 phương diện là số người nhiễm mới, số chuyển sang AIDS, số người tử vong có liên quan đến HIV/AIDS. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3% và Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia trên thế giới có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất.
Tuy nhiên sau 13 năm thực hiện, Luật hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập nên cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tạo hành lang pháp lý đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS có hiệu lực, hiệu quả hơn trong thời gian tới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu vào năm 2030, về cơ bản Việt Nam chấm dứt dịch bệnh AIDS theo tinh thần Nghị quyết số 20, Ban Chấp hành Trung ương.
Đại biểu Đỗ Văn Bình (TP. Hải Phòng) cho rằng những nội dung sửa đổi, bổ sung mà Ban soạn thảo xây dựng với những giải pháp như đẩy mạnh bảo vệ quyền an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV; bổ sung một số đối tượng có nguy cơ cao được ưu tiên áp dụng các biện pháp tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; điều chỉnh mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV, người có nguy cơ cao được tham gia một số biện pháp phòng, chống HIV/AIDS… không chỉ là những giải pháp có ý nghĩa thực tiễn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc, khẳng định mạnh mẽ sự ưu việt trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong việc chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS.
Các đại biểu cũng thảo luận và cho ý kiến về một số nội dung cụ thể cần tiếp tục làm rõ như việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV (Điều 30); kinh phí xét nghiệm HIV tự nguyện để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (Điều 35); độ tuổi tối thiểu của người tự nguyện xét nghiệm HIV (Điều 27); Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV (Điều 44)… và đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá đầy đủ mối quan hệ giữa các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật với các quy định sửa đổi, bổ sung các luật khác có liên quan để bảo đảm không phát sinh bất cập, mâu thuẫn khi tổ chức thực hiện.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn; các đại biểu Quốc hội tán thành với Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và nhiều nội dung của dự thảo Luật; hồ sơ của dự thảo Luật đầy đủ, được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị Ủy ban Về các vấn đề xã hội - cơ quan chủ trì soạn thảo - và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của đại biểu Quốc hội cả nội dung và kỹ thuật lập pháp để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp này như chương trình đã đề ra.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/dai-bieu-ung-ho-sua-doi-bo-sung-luat-phong-chong-hivaids-107855.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.