Thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 không chỉ tác động lớn đến nền kinh tế, xã hội mà còn khiến các DNNVV và các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều DN do thiếu việc đã và đang có kế hoạch giảm bớt lao động hoặc đóng cửa nhà máy. Một số DN thì giảm giờ, giảm ngày làm việc và cho người lao động nghỉ luân phiên. Do đó cần phải có những giải pháp thiết thực để giúp DN vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay, phục hồi sau dịch, chuẩn bị các tâm thế phục hồi một cách nhanh nhất.
![]() |
Nhiều DN có dấu hiệu khởi sắc trong những tháng cuối năm |
Ông Nguyễn Thành Biên, Phó Chủ tịch Hội DN tỉnh Hòa Bình cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hầu hết các DN trong các lĩnh vực đều chịu ảnh hưởng, nhiều DN có nguy cơ phá sản, phải đóng cửa, hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc làm. Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, còn quá nhiều DN nhỏ rất khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường, thiếu vốn, thiếu năng lực tổ chức quản lý, quản trị kinh doanh, rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý Nhà nước, của Hiệp hội và cộng đồng DN. Hiện tại các gói hỗ trợ vẫn còn chưa đến được với các DN nhỏ và siêu nhỏ. Những DN này nếu phải ngừng hoặc thu hẹp sản xuất, doanh thu thấp đồng nghĩa với không có lãi thì giảm thuế thu nhập DN không có tác dụng. DN nhỏ và siêu nhỏ không tiếp cận được vốn vay ngân hàng thì việc giãn nợ cũng không cần thiết. Chưa kể nhiều DN phải huy động nhiều nguồn vốn để hỗ trợ cho người lao động, nhằm giữ chân người lao động thì lại rơi vào diện DN vẫn còn khả năng chi trả nên không được vay gói tín dụng không lãi suất của NHCSXH.
Trong giai đoạn khó khăn này nếu lùi bước sẽ là thất bại. Con đường hiệu quả lúc này là các gói hỗ trợ đủ mạnh, đủ thời gian; chính quyền các cấp tạo môi trường, hành lang pháp lý tối ưu cho các DN tồn tại và phát triển. Đồng thời, cải cách hành chính cũng là yêu cầu cấp bách giúp người dân và DN thoát ra được những rào cản vô hình, tạo điều kiện cho DN phát triển phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với các DNNVV Việt Nam. Một số luật, chính sách hỗ trợ DN ra đời nhưng vẫn còn chậm, chưa thực sự thông thoáng, chưa gỡ đúng các nút thắt mà DN cần.
Số liệu thống kê cho thấy, các tháng gần đây liên tục ghi nhận số DN tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn và số DN tạm ngừng hoạt động chờ giải thể tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm 2020, có 78.306 DN đã rút lui khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có 8.701 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 27,2% so với trung bình 9 tháng năm 2019. Điều này cho thấy các DN ở tất cả các ngành nghề đều đang gặp rất nhiều khó khăn cần được hỗ trợ kịp thời.
TS.Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, thời gian qua Chính phủ đã có những chính sách rất tốt đối với các đối tượng DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng khi thực hiện thì không đạt được kỳ vọng như ban đầu. Theo ông Nam, muốn hỗ trợ đúng thì cần phải biết được hoàn cảnh, nhu cầu thực sự của các DN.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, những tháng cuối năm tình hình sản xuất của các DN sẽ có nhiều dấu hiệu khởi sắc, tập trung hơn vào việc thích nghi với tình hình mới, thay đổi phương thức kinh doanh mới. Trong đó, chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc không chỉ với DN lớn mà kể cả những DN nhỏ và siêu nhỏ. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng mô hình quản trị bền vững bởi vì hầu hết những DN có khả năng trụ vững được trong những hoàn cảnh khó khăn đều phát triển theo mô hình này. Đồng thời cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa hệ thống pháp luật về kinh doanh, tạo môi trường minh bạch, an toàn cho hoạt động của DN. Đó là điều kiện quan trọng nhất để cộng đồng DN phát triển một cách minh bạch, mạnh mẽ.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/go-nut-that-cho-doanh-nghiep-107829.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.