Quyết liệt thực hiện thắng lợi mục tiêu kép

Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong bối cảnh các thách thức và cơ hội đan xen. Mục tiêu là tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Năm 2020 đạt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 có nhiều điểm sáng, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; trong đó, đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống của người dân, giúp đỡ được bạn bè quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Theo đó, năm 2020 GDP theo giá hiện hành ước đạt khoảng 6,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 263 nghìn tỷ đồng so với năm 2019; GDP bình quân đầu người ước đạt 2.750 USD, tăng gần 35,6 USD so với năm 2019; tốc độ tăng GDP năm 2020 thấp hơn nhiều so với mức tăng của năm 2019 (7,02%)...

Đối với việc thực hiện cơ cấu lại một số lĩnh vực trọng tâm, Chính phủ tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”. Tập trung xử lý các TCTD yếu kém, nhất là các ngân hàng mua bắt buộc; giám sát chặt chẽ các TCTD triển khai phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt. Tích cực triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng tài sản của các TCTD, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới.

quyet liet thuc hien thang loi muc tieu kep
NHNN đã ba lần cắt giảm các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các TCTD hạ lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Song song với đó tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường năng lực tài chính cho các NHTM Nhà nước. Quốc hội đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank tại Nghị quyết số 122/2020/QH14. Tiếp tục rà soát, sửa đổi quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và rà soát, hoàn thiện phương án tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng VietinBank và Vietcombank. Chất lượng quản trị, điều hành từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế. Hầu hết các TCTD đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, hướng tới hoàn thành cả 3 trụ cột theo chuẩn mực quốc tế.

Liên quan đến thực hiện các cân đối lớn của nền kinh tế đối với lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, Chính phủ đã điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với các tác động bất lợi của đại dịch Covid-19. Điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD; điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện giảm còn 4,5%/năm), giảm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng. Qua đó, tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận các nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, hỗ trợ DN và người dân giảm chi phí vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, kịp thời ban hành, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh... Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng...

Về lạm phát, Báo cáo của Chính phủ cho biết, diễn biến lạm phát chịu nhiều áp lực tăng, giảm đan xen do ảnh hưởng bởi giá hàng hóa, dịch vụ trên thị trường thế giới, nhất là giá dầu, giá lương thực, thực phẩm… Tuy nhiên, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai các biện pháp đồng bộ để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch và ổn định thị trường, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) xu hướng giảm dần, bình quân 9 tháng đầu năm CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2019, tiệm cận mục tiêu đề ra (dưới 4%).

Thủ tướng cũng cho biết, những tháng cuối năm, các cơ quan Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành CSTT linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa (CSTK) và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời hỗ trợ DN và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng. Định hướng cả năm, CPI bình quân cả năm tăng dưới 4% so với năm 2019…

Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”

Năm 2021 là năm đầu tiên của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Thủ tướng cho biết, chúng ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh các thách thức và cơ hội đan xen.

Mục tiêu tổng quát 2021 là tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh; phát triển mạnh thị trường trong nước…

Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tập trung vào 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, đối với lĩnh vực kinh tế, bên cạnh việc đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

“Chính phủ sẽ điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với CSTK và các chính sách vĩ mô khác nhằm hỗ trợ hoạt động, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng không chủ quan với lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, qua đó góp phần hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho DN, người dân phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp chống đô la hóa. Tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng đảm bảo và duy trì sự ổn định bền vững thị trường vàng, hạn chế tác động của giá vàng đến sự ổn định của tỷ giá thị trường ngoại hối cũng như nền kinh tế vĩ mô. Tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng, góp phần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với CSTT và các chính sách khác.

Các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế năm 2021

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6% so với năm 2020.

- Quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người.

- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

- Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%.

- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/quyet-liet-thuc-hien-thang-loi-muc-tieu-kep-107718.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.