![]() | Chưa thấy “sóng” M&A hậu Covid-19 tại Việt Nam |
![]() | Nhà đầu tư cẩn trọng với thương vụ M&A mới |
![]() | Thị trường M&A: Cân nhắc mới sau dịch Covid |
Đơn cử như Tập đoàn Hòa Phát, đại dịch Covid-19 không khiến DN này lung lay do nền móng vững chắc được xây dựng dựa trên hai trụ cột chính: thép và nông nghiệp. Trong quý III/2020, Hòa Phát đạt tổng doanh thu lên tới 24.900 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 3.785 tỷ đồng, tương ứng tăng 62,7% và tăng 100% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Hòa Phát, lợi nhuận một quý của tập đoàn này vượt hơn 3.000 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu đạt 65.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên tới 8.845 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 56% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đã vượt 4 triệu tấn thép thô, gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2019. Tiêu thụ thép xây dựng thành phẩm đạt gần 2,5 triệu tấn, còn lại là phôi thép, thép cuộn cán nóng. Thị phần thép Hòa Phát tiếp tục vượt trội ở vị trí dẫn đầu với 32,6%. Bên cạnh đó, thép Hòa Phát đã xuất hơn 370.000 tấn, tăng 95% so với cùng kỳ.
Nhờ kết quả tích cực, giá cổ phiếu HPG đã phục hồi mạnh mẽ hơn 70% chỉ trong vòng 6 tháng gần đây để đạt gần 30.000 đồng/CP.
Theo các nhà phân tích, Covid-19 tuy tác động tiêu cực nhưng còn mang tới động lực tăng trưởng mới cho Hòa Phát. Mục tiêu của Chính phủ là đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư công để tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19. “Nhằm kích thích kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch, Chính phủ Việt Nam đang tăng cường giải ngân đầu tư công thông qua đầu tư vào các cơ sở vật chất, hạ tầng. Các tháng 7 và 8/2020, giá trị đầu tư công bình quân mỗi tháng đã đạt trên 45.000 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Chúng tôi cho rằng xu hướng này vẫn sẽ được tiếp tục đến hết năm 2021 và những doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi”, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định.
Lợi thế của Hòa Phát với các công ty cùng ngành là sức khỏe tài chính ổn định và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ. Nhờ sản xuất chuỗi giá trị gia tăng hoàn chỉnh từ thượng nguồn đến hạ nguồn, công ty có giá thành sản xuất thấp hơn hẳn so với các đối thủ trong nước và nhiều doanh nghiệp nước ngoài, vì vậy ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn của ngành thép, HPG có cơ hội lớn để giành thị phần. Tiềm năng tăng trưởng dài hạn của HPG còn đến từ kinh tế vĩ mô thuận lợi: tăng trưởng GDP cao so với các nước trong khu vực thời đại dịch, lãi suất duy trì thấp và ổn định, đầu tư công tăng trưởng đi cùng tỷ lệ sử dụng thép trên đầu người của Việt Nam vẫn ở mức tương đối thấp.
Bên cạnh nội địa, Hòa Phát còn tận dụng cơ hội từ các thị trường bên ngoài. Sau khi các lò cao số 1 và số 2 trong giai đoạn 1 của siêu dự án Dung Quất hoạt động ổn định, sản lượng thép thô của Hòa Phát đã tăng thêm hơn 2,5 triệu tấn/năm.
Nhưng với sản lượng khổng lồ như vậy, thị trường nội địa Việt Nam khó có thể hấp thụ được ngay lập tức, vì thế Hòa Phát đang xuất khẩu phôi thép, đặc biệt là tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Thuận lợi cho Hòa Phát là hiện tại giá thép xây dựng tại Trung Quốc đang cao hơn giá thép tại thị trường Việt Nam khoảng 20% do chính sách thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng của chính phủ nước này hòng cứu vãn nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Theo số liệu thống kê, lũy kế 7 tháng đầu năm nay, sản lượng sản xuất thép của Trung Quốc tăng trưởng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, nhu cầu thép lớn sẽ tiếp tục được duy trì cho đến hết năm 2020. “Mặc dù biên lợi nhuận của mảng bán phôi thép là không cao, tuy nhiên, hoạt động này vẫn đang mang lại dòng tiền và giải quyết tình trạng dư thừa công suất tạm thời của dự án Dung Quất”, Chứng khoán KB nhận định.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/doanh-nghiep-lon-tan-dung-covid-19-thau-tom-thi-phan-107631.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.