Nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp
Gia Lai là một trong các địa phương lấy nông nghiệp làm trụ cột chủ lực trong phát triển kinh tế, xã hội, với diện tích rộng hơn 15.500 km², trong đó đất đỏ bazan chiếm 10.600 km2, thổ nhưỡng phì nhiêu, thời tiết ôn hòa quanh năm, phù hợp với tất cả các loại cây trồng và chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, thủy sản.
Trong giai đoạn 2016-2020, ngành nông nghiệp của Gia Lai duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân hàng năm 5,28%; đến năm 2020, giá trị sản xuất khoảng 30.186 tỷ đồng, gấp 1,29 lần so với năm 2015. Trong đó, trồng trọt vẫn là lĩnh vực chủ đạo. Trong giai đoạn này, cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hiệu quả hơn; chuyển tăng trưởng dựa vào số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
![]() |
Nông nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi biến đổi khí hậu và giá thị trường |
Tuy nhiên, địa phương này vẫn chưa tận dụng và khai thác đúng mức, hiệu quả các tiềm năng. Giá trị kinh tế mang lại của các sản phẩm nông nghiệp còn thấp; sản phẩm làm ra chủ yếu để xuất thô, tỷ lệ qua chế biến đạt rất thấp. Theo các chuyên gia, bởi Gia Lai là địa bàn miền núi cách xa các trung tâm khoa học kỹ thuật lớn của đất nước; hạ tầng giao thông vừa thiếu, vừa yếu, các tuyến quốc lộ và hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Liên kết vùng giữa các địa phương trong khu vực vẫn còn khó khăn. Định hướng phát triển kinh tế, xã hội chưa có đột phá... Đây chính là những thách thức làm chậm quá trình phát triển của địa phương này trong nhiều năm qua.
Cùng với đó, tuy ngành nông nghiệp là trụ cột chính trong phát triển kinh tế, song các loại cây trồng của người nông dân tại Gia Lai luôn phải đối mặt với những rủi ro về giá, rủi ro về thiên tai, do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu ngày càng có diễn biến phức tạp, khó lường.
Để khắc phục những điều này, gần đây, chính quyền tỉnh Gia Lai đã xây dựng định hướng phát triển nông nghiệp phù hợp và đạt được một số kết quả tích cực. Đặc biệt, địa phương thu hút được nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm. Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu và hình thành chuỗi liên kết. Đồng thời, tập trung xây dựng nhiều đề án, kế hoạch, chương trình hành động để phát triển nông nghiệp.
Cần quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp
Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, Gia Lai đã xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị. Chính quyền tỉnh xem đây là nhân tố đột phá để cơ cấu lại ngành nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hiện đại; Xây dựng đề án tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, xác định các loại cây, con chủ lực.
Trên cơ sở căn cứ chính sách của Trung ương, Gia Lai thể chế hóa thành các chính sách của địa phương để thúc đẩy quá trình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Tạo các điều kiện cho DN đầu tư chiều sâu vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ nông nghiệp; trong đó chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ phù hợp, công nghệ cao, huy động nông dân tham gia ngày càng nhiều vào các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới trên cơ sở liên kết với DN đủ sức làm bà đỡ, tạo điều kiện cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai theo hướng sản xuất lớn, quy mô và mang lại hiệu quả cao.
Đồng thời, khai thác tốt các lợi thế về đất, thổ nhưỡng, khí hậu đang có ưu thế; Từng bước xây dựng và phát triển các loại cây, con chủ lực (ngoài cao su, cà phê, hồ tiêu) như: chanh dây, chuối, thanh long, xoài, na, sầu riêng, bơ... và các loại cây dược liệu có giá trị.
Cùng với đó, tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với quá trình đào tạo và hình thành nguồn nhân lực chất lượng. Hiện Gia Lai đã xây dựng được các mô hình liên kết với DN như: Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao, Nhà máy Đường An Khê, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Thành Thành Công, Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh...
Theo ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, đơn vị đã chọn Gia Lai để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản. Hiện nhà máy đang hoạt động rất tốt. DN đã xây dựng mối liên kết chặt chẽ với nông dân từ khâu sản xuất đến chế biến và xuất khẩu rau quả. Sản phẩm của DN có mặt tại hơn 60 quốc gia và chinh phục được các thị trường khó tính như châu Âu. Thời gian tới, DN sẽ xây dựng và hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tạo thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên (Gia Lai) chia sẻ, ngành nông nghiệp của tỉnh đang có những bước tiến tích cực, nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn chưa thực sự hiệu quả; việc khống chế dịch bệnh chưa có giải pháp căn cơ.
Mặt khác, nông nghiệp còn chịu ảnh hưởng của thời tiết trong khi biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Giá vật tư đầu vào tăng cao mà thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra lại không ổn định. Cùng với đó, mô hình liên kết chuỗi giữa DN và nông dân chưa đồng bộ; thiếu DN liên kết đầu tư, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đầu ra…
Theo GS,TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, để khắc phục những hạn chế địa phương cần tập trung quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với thị trường và xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy phát triển nông nghiệp giá trị gia tăng cao, thích ứng với thị trường và biến đổi khí hậu gắn với chiến lược, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/chu-dong-phat-trien-nong-nghiep-theo-chuoi-107474.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.