![]() | Năm 2020 ưu tiên cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng |
![]() | Cơ cấu lại nền kinh tế: Còn nhiều bề bộn |
![]() |
Ảnh minh họa |
Có thể làm tốt hơn
Để triển khai các nhiệm vụ này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 27 và 230 văn bản các loại; trong đó có nhiều văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế và tạo khung pháp lý cho quá trình cơ cấu lại toàn diện nền kinh tế gắn với đổi mới sâu rộng mô hình tăng trưởng, đặc biệt là tập trung xử lý các vấn đề lâu nay còn yếu kém. Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban đã được thành lập.
Nhờ đó việc thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả đáng kể, cơ cấu tổng thể nền kinh tế có chuyển dịch tích cực; tăng trưởng kinh tế dần đi vào chiều sâu; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, sức chống chịu của nền kinh tế có cải thiện; nợ công giảm mạnh về mức 55% GDP, vượt cả mục tiêu đặt ra… Bên cạnh đó, đã có sự chuyển biến cả về tư duy, quyết tâm và hành động cụ thể trong công tác xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.
Tuy nhiên việc cơ cấu lại nền kinh tế vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra và theo như những người rất trăn trở với vấn đề này như TS.Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương thì “chúng ta đã có thể làm được tốt hơn”.
Nhìn vào kết quả cụ thể có thể thấy rõ điều đó. Chẳng hạn như kinh tế tư nhân tuy đã có những sự phát triển mạnh hơn, đã có một số tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư lớn vào những công trình hạ tầng lớn, đầu tư cho sân bay cảng biển, đầu tư vào năng lượng…; nhưng số đông DN vẫn có quy mô khá nhỏ và yếu ớt. Trong khi thị trường các nhân tố sản xuất vẫn chưa phát triển, đặc biệt là thị trường đất đai và lao động.
Đặc biệt, mục tiêu năm 2019 phải hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu 3 lĩnh vực trọng tâm là đầu tư công, DNNN và TCTD, dù đã có những chuyển biến mang tính căn cơ so với giai đoạn trước, nhưng vẫn chưa đạt được. Mục tiêu nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 4 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN-4) cũng không có khả năng hoàn thành…
Các chuyên gia cho rằng, những nhiệm vụ này chưa hoàn thành không những làm giảm thành quả của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, mà còn trở nên khó khăn hơn trong quá trình tiếp tục triển khai thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng, 5 năm qua chúng ta đã hành chính hóa việc cơ cấu lại nền kinh tế bằng những quyết định chỉ đạo hành chính, những gì làm được 5 năm qua là kế thừa kết quả và cả cách làm của nhiệm kỳ trước còn thực tế chưa thấy có cách làm mới, phương pháp mới và chính sách mới. Tốc độ cơ cấu lại nền kinh tế chậm dẫn đến mô hình tăng trưởng mặc dù có thay đổi nhưng chưa đáp ứng yêu cầu và chưa bền vững, chưa đạt được tiến bộ mạnh mẽ trong lĩnh vực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
Bắt tay vào kinh tế sáng tạo
Nhấn mạnh “cơ cấu lại nền kinh tế phải đi liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, TS.Nguyễn Đình Cung lưu ý rằng, tái cơ cấu kinh tế ở Việt Nam đầu tiên là phải giải quyết vấn đề kém hiệu quả của nền kinh tế. Theo ông, điều này trước hết là do phân bổ nguồn lực sai lệch và sử dụng kém hiệu quả. Trong khi kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế chưa xác định rõ trọng tâm cho phù hợp với trình độ phát triển của các địa phương nên chưa khai thác được thế mạnh của từng địa phương và chưa tạo được bước đột phá trong kết quả chung.
Đáng lẽ khu vực đang làm ra tiền và tập trung nhiều dân cư, nhiều DN, thu hút nhiều đầu tư như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và một vài tỉnh nữa cần phải được đầu tư để tận dụng được lợi thế. Thế nhưng, thực tế nguồn thu ngân sách từ các địa phương này lại được điều chuyển về Trung ương khá nhiều, trong khi cơ chế lại thắt lại nên hạ tầng vẫn chưa được đầu tư xứng đáng nên hệ lụy là tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường…
Bên cạnh đó, tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở các địa phương và các vùng miền cũng phải khác nhau chứ không phải cả 63 tỉnh thành phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, dựa trên đổi mới sáng tạo.
Từ thực trạng hiện tại, TS.Nguyễn Đình Cung đề nghị cần sớm có Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế cho giai đoạn 2021-2025 với những giải pháp ở bước phát triển cao hơn và tận dụng được các cơ hội phát triển mới, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, tăng cường khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài. Trong đó tiếp tục lấy ổn định vĩ mô làm trọng, và trọng tâm là hoàn thiện thể chế tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy sáng tạo và phát huy vai trò kiến tạo của nhà nước, tạo cơ hội và điều kiện cho các ứng dụng, sáng tạo công nghệ mới, sản phẩm mới, quy trình mới, cách làm mới, mô hình kinh doanh mới. Đồng thời thay đổi cách phân bổ nguồn lực, hoàn thiện và phát triển đồng bộ các thị trường các nhân tố sản xuất, kết hợp với tận dụng khai thác cơ hội của công nghệ số, khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần xác định rõ ràng hơn các trọng tâm, trọng điểm cơ cấu lại nền kinh tế theo ngành, vùng, nhóm địa phương để tận dụng được lợi thế và tập trung nguồn lực, tạo ra những kết quả rõ nét hơn. Tập trung phát huy vai trò đầu tàu trong đổi mới sáng tạo của các thành phố, đô thị lớn đồng thời phát huy thế mạnh của các vùng kinh tế.
Đồng thời tái cơ cấu kinh tế trong những năm tới vừa khắc phục những yếu kém đặc trưng của một nền kinh tế ở giai đoạn thu nhập trung bình thấp, vừa phải bắt tay ngay vào phát triển kinh tế sáng tạo, tích lũy dần năng lực công nghệ, tạo đột phá ở một số lĩnh vực có tiềm năng như công nghệ số để hướng dần nền kinh tế đi vào quỹ đạo của nền kinh tế sáng tạo.
5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu lại nền kinh tế: - Cơ cấu lại ba trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, DNNN và các tổ chức tín dụng; - Cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, khu vực công; - Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài; - Hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; - Hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường, gồm thị trường tài chính, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ. |
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/chung-ta-dang-hanh-chinh-hoa-viec-co-cau-lai-nen-kinh-te-107280.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.