![]() | WB: Chịu cùng lúc 3 cú sốc từ Covid-19, kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương dự kiến chỉ tăng 0,9% năm 2020 |
![]() | Đại hội đồng AIPA 41 thành công tốt đẹp |
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo WB, phương án chính sách nhằm ngăn chặn bệnh dịch và cứu trợ tốt nhất là căn cứ vào mức độ ảnh hưởng đến triển vọng khôi phục và tăng trưởng trong tương lai. Cùng với đó, lựa chọn chính sách ở một lĩnh vực, chẳng hạn y tế, sẽ tác động đến mục tiêu ở các lĩnh vực khác. Do đó, một quan điểm đa chiều sẽ giúp chính phủ các quốc gia ĐA-TBD đưa ra quyết định lựa chọn trong hôm nay và làm mềm hóa những điều phải đánh đổi vào ngày mai. Cụ thể, WB khuyến nghị một số hướng tiếp cận chính dưới đây:
Tăng cường năng lực để ngăn chặn khôn ngoan, bao gồm xét nghiệm, truy vết và cách ly. Đây là cách để kiềm chế bệnh dịch bùng phát dựa trên những biện pháp có mục tiêu và ít gây gián đoạn hoạt động kinh tế hơn. Đồng thời, hợp tác quốc tế để khuyến khích phát triển vắc-xin cũng như chuẩn bị để phân phối vắc-xin công bằng và hiệu quả cũng là cách để góp phần đảm bảo ổn định xã hội và hỗ trợ khôi phục kinh tế.
Khởi xướng cải cách tài khóa để chi tiêu nhiều hơn cho cứu trợ mà không phải hy sinh đầu tư công. Hạn chế về ngân sách càng trở nên khó khăn hơn do tỷ lệ huy động thu ở các quốc gia ĐA-TBD trừ Trung Quốc đặc biệt thấp. Và do phụ thuộc nhiều vào thuế gián thu, chiếm đến hơn 50% số thu của chính phủ ở một số nước, nên tình trạng thất thu càng trở nên nghiêm trọng hơn khi gặp khủng hoảng khiến cho tiêu dùng giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, mở rộng cơ sở tính thuế cho các sắc thuế thu nhập và lợi nhuận mang tính lũy tiến nhiều hơn và giảm chi tiêu lãng phí có thể là cách để đảm bảo phục hồi bền vững và bao trùm.
Hỗ trợ cho các doanh nghiệp cần thực hiện theo hướng ngăn ngừa phá sản và mất việc làm mà không làm ảnh hưởng đến hiệu quả tái phân bổ lao động và nguồn lực giữa các doanh nghiệp và ngành nghề. Hỗ trợ cần dựa trên tiêu chí khách quan và minh bạch, không chỉ dựa trên kết quả trước đó và mức độ ảnh hưởng hiện nay, mà còn dựa trên khả năng phát triển trong tương lai của doanh nghiệp. Để tránh phải hỗ trợ kéo dài bất hợp lý, chính phủ có thể cam kết giảm dần hỗ trợ bằng cách gắn chương trình hỗ trợ với các chỉ số kinh tế vĩ mô có thể quan sát nhằm thể hiện tốc độ hồi phục.
Cần tiếp tục duy trì uy tín cẩn trọng về tài chính khi phải đối mặt với nhu cầu vay nợ tăng lên. Mặc dù chính phủ các quốc gia ĐA-TBD chủ yếu bù đắp bội chi bằng các nguồn vay trong nước, một số cũng đang thúc ép NHTW phải mua trái phiếu chính phủ. Nếu quá một ngưỡng nào đó, các biện pháp như vậy có thể làm suy giảm sự độc lập của NHTW và khả năng kiểm soát lạm phát, có vai trò hết sức quan trọng để ổn định KTVM trong khu vực. Quá phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng làm kênh dẫn cho các hoạt động hỗ trợ cũng gây rủi ro.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nhung-khuyen-nghi-chinh-sach-truoc-tac-dong-cua-covid-19-107054.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.