![]() | Nguy cơ Brexit không thỏa thuận ngày càng lớn |
![]() | Triển khai Brexit giai đoạn 2 liệu có suôn sẻ? |
![]() |
Anh trước nguy cơ không có thỏa thuận thương mại với EU hậu Brexit |
Rủi ro lại tăng cao
Anh rời EU 9 tháng trước theo thỏa thuận Brexit mà hai bên đã thống nhất. Từ thời điểm đó đến nay, dường như tình hình không có thay đổi gì nhiều khi Vương quốc Anh tiếp tục được hưởng quyền tự do tiếp cận các nước EU (và ngược lại) nhờ các thỏa thuận chuyển tiếp có hiệu lực đến hết ngày 31/12 này.
Tuy nhiên, sóng gió lại bắt đầu nổi lên và nguy cơ Brexit không lối thoát tái xuất hiện trở lại trong bối cảnh các cuộc đàm phán về một thỏa thuận để giữ cho dòng chảy thương mại EU-Anh tiếp tục êm ả hậu Brexit đang bước vào giai đoạn cuối cùng. Theo lịch trình dự kiến, vòng đàm phán cuối cùng giữa trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier và người đồng cấp Anh, David Frost, bắt đầu vào thứ Ba tuần tới tại Brussels (Bỉ). Tiếp đó, chỉ còn hai tuần nữa là diễn ra cuộc họp quan trọng của các nhà lãnh đạo EU và còn một tháng nữa trước thời hạn cuối cùng cho một thỏa thuận mà Brussels đặt ra.
Sự gia tăng mạnh mẽ các ca nhiễm Covid-19 đang tạo ra áp lực buộc các chính trị gia Anh và châu Âu phải nhượng bộ để tránh những hỗn loạn xảy ra từ ngày 1/1/2021, có thể sẽ tiếp tục làm suy thoái nền kinh tế, buộc hàng nghìn xe tải phải xếp hàng ở biên giới và làm gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm và thuốc men quan trọng. Các thỏa thuận chuyển tiếp sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12 tới nên vấn đề đặt ra khẩn cấp lúc này là Anh cần đạt được một thỏa thuận nếu các công ty của Anh muốn tránh chi phí giao dịch cao hơn với thị trường EU và nhiều rào cản khác. Nhưng các cuộc đàm phán cho đến nay vẫn chưa đạt được đột phá ở những điểm mấu chốt, trong đó có các quy định về viện trợ của chính phủ cho các công ty.
Những hy vọng về một thỏa thuận đã gần như tắt ngấm vào đầu tháng này khi Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết có thể từ bỏ hoặc không thực thi đầy đủ các điều khoản của Brexit. Ý tưởng cho rằng Vương quốc Anh cố tình vi phạm luật pháp quốc tế đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi chính trị ngay trong nước Anh cũng như bị lên án ở châu Âu. Nhưng vấn đề này đã nhanh chóng bị lu mờ bởi sự gia tăng đáng báo động về số ca nhiễm Covid-19 mới ở Anh và những hạn chế mới nhằm kiểm soát làn sóng dịch bệnh thứ 2 đã có hiệu lực vào tuần trước. Từ tháng 3 đến tháng 8/2020, các công ty Anh đã giảm gần 700.000 việc làm. Vào tháng 8, NHTW Anh cảnh báo rằng 2,5 triệu người có thể mất việc làm và ở tình trạng đang tìm việc làm vào cuối năm nay.
Anh sẽ nhượng bộ để có được thỏa thuận
Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu của Eurasia Group cho rằng, số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh đang khiến Thủ tướng Johnson phải suy nghĩ lại về nguy cơ Anh bị loại khỏi EU - thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình - mà không có được một TTTM mới. Chuyên gia này nhận định, có 60% cơ hội là Anh sẽ đạt được thỏa thuận với EU trước cuối năm nay. "Các tác động sâu sắc hơn do Covid-19 gây ra, từ số ca nhiễm mới tăng, đến các hạn chế mới trên toàn quốc hay cuộc khủng hoảng thất nghiệp đang rình rập khiến nội các Chính phủ nhận thấy rất cần đạt được một thỏa thuận với EU", Rahman viết trong một nghiên cứu đưa ra vào tuần trước.
Không có TTTM mới nào có thể mang lại lợi ích cho Anh như khi tiếp tục là thành viên của EU, khu vực thị trường chung lớn nhất thế giới và là điểm đến của 43% hàng xuất khẩu của Anh. Rời khỏi khối này có nghĩa là chi phí cao hơn cho các công ty Anh trong bất kỳ trường hợp nào. Thực tế, việc nhiều năm không chắc chắn về tương lai thương mại với EU đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Anh. Theo các nhà phân tích tại Berenberg, tăng trưởng GDP của Anh trong ba năm sau cuộc trưng cầu Brexit (tháng 6/2016) đã chậm lại xuống còn 1,6% do đầu tư kinh doanh bị đình trệ. Nếu có được một TTTM mới với EU sẽ giúp hạn chế thiệt hại hơn nữa cho các doanh nghiệp khi họ đang nỗ lực hết sức để phục hồi sau đại dịch khiến GDP của Anh đã giảm tới 20% trong quý II.
Trong kịch bản tệ hại nhất, theo đó Anh không đạt được TTTM mới với EU và thỏa thuận về Brexit cũng không được tôn trọng, sẽ có thể làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và gây ra gián đoạn lớn ở biên giới, nơi hệ thống hải quan có thể sẽ bị quá tải. Anh nhập khẩu 26% thực phẩm từ các nhà cung cấp EU và các chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng thiếu hụt. Các nhà sản xuất ô tô, vốn đang lao đao vì doanh số sụt giảm do đại dịch, sẽ phải đối mặt với mức thuế 10% đối với xe bán vào thị trường EU, khiến tương lai của toàn ngành này khó khăn. Chính phủ Anh từng ước tính rằng, việc Anh kết thúc một cách “mất trật tự” mối quan hệ thương mại với EU sẽ làm giảm sản lượng 7,7% trong 15 năm tới so với việc tiếp tục là thành viên EU. Và cú sốc đối với nền kinh tế sẽ ngay lập tức.
Tuy nhiên, nếu các cuộc đàm phán hiện nay mang lại đột phá thì một thỏa thuận sẽ được chuẩn bị sẵn sàng để các nhà lãnh đạo EU xem xét tại hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào ngày 15-16/10. Theo chuyên gia Rahman, Anh chắc chắn sẽ phải đưa ra "những nhượng bộ lớn hơn và rõ ràng hơn".
Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán EU, Barnier, coi thời điểm cuối tháng 10 tới là "thời hạn nghiêm ngặt", bởi sẽ cho các nước thành viên EU và nghị viện của Khối đủ thời gian để ký kết một thỏa thuận. Nhưng với những khác biệt đáng kể đang có, điều này có vẻ khó xảy ra. Các ngân hàng đầu tư được thăm dò bởi Reuters gần đây tỏ ra bi quan hơn về triển vọng của một thỏa thuận so với cách đây ba tháng.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/noi-lo-brexit-khong-thoa-thuan-dang-tro-lai-107041.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.