![]() | Tín dụng đen luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan công an |
![]() | Bắt nhóm đối tượng cho vay nặng lãi |
![]() |
Hàng loạt băng, nhóm cho vay nặng lãi đã bị cơ quan chức năng tỉnh Đăk Lăk triệt phá và khởi tố |
Từ sau khi Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen được ban hành đến nay, trên địa bàn Đăk Lăk tồn tại một số DN có biểu hiện hoạt động mang tính chất tín dụng đen. Từ đó, cơ quan chức năng lên kế hoạch triệt phá các đường dây hoạt động này.
Mới đây, Công an TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Quang Toàn, quê ở tỉnh Nam Định - một đối tượng cầm đầu đường dây hoạt động tín dụng đen, cho vay với lãi suất cao.
Toàn cùng một số đối tượng khác thuê nhà ở đường Quang Trung, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột để tổ chức hoạt động cho vay nặng lãi. Phương thức hoạt động của các đối tượng là phát tờ rơi quảng cáo có ghi số điện thoại trên nhiều tuyến đường phố. Người nào điện thoại liên hệ để vay tiền, các đối tượng đến xem nhà, tìm hiểu thông tin, khả năng tài chính của người vay để tiến hành cho vay với lãi suất từ 180-720%/năm. Người vay bị các đối tượng chụp hình, quay video; nếu đến thời hạn không trả đủ tiền lãi và gốc thì các đối tượng sẽ chửi bới, đe dọa bằng nhiều cách để khủng bố tinh thần. Số tiền giao dịch cho vay nặng lãi của nhóm này từ tháng 4/2020 đến thời điểm bị bắt trên 4 tỷ đồng.
Hay như, cơ quan chức năng tỉnh Đăk Lăk vừa triệt phá thành công đường dây tín dụng đen do đối tượng Trần Văn Tiệp, Trần Văn Thế cùng trú tại huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) đến thuê nhà tại số 113/44/21 đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột để hoạt động cho vay lãi nặng.
Chỉ trong thời gian ngắn, hai nhóm nói trên gồm 16 đối tượng hoạt động tín dụng đen trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cho gần 500 người vay với tổng số tiền khoảng 5 tỷ đồng, thu lợi bất chính trên 1,3 tỷ đồng.
Trước đó, vào cuối tháng 8/2020, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Đăk Lăk ra quyết định khởi tố, bắt tạm đối tượng bị khởi tố là Trần Văn Lợi (Bắc Giang) cầm đầu một nhóm tín dụng đen có nhiều đối tượng tham gia. Nhóm này đã thuê nhà tại 162/6/3 đường Hà Huy Tập, TP. Buôn Ma Thuột để hoạt động cho vay nặng lãi. Để thực hiện các hành vi, nhóm này mua các sim rác in số điện thoại vào các tờ rơi rồi đi rải trên các tuyến đường. Khi có người cần vay tiền liên hệ, các đối tượng sẽ đến tận nhà tìm hiểu về điều kiện gia đình, khả năng trả nợ rồi mới cho vay.
Tính từ tháng 3/2020 đến lúc bị triệt phá, nhóm này cho vay nặng lãi với tổng số tiền giao dịch trên 1,5 tỷ đồng với lãi suất cho vay từ 180 - 480%/năm. Hàng ngày, Lợi cho đàn em đi thu tiền lãi, khi khách chậm trả nợ hoặc không trả tiền thì sẽ cho người xuống đe dọa, chửi bới, tạt mắm tôm, sơn vào nhà để ép người vay phải trả nợ.
Theo đánh giá của Công an tỉnh Đăk Lăk, những năm gần đây, loại tội phạm này hoạt động với thủ đoạn tinh vi. Đặc biệt, một số băng nhóm gồm nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự từ các tỉnh thành phía Bắc vào làm phức tạp tình hình, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Để phòng ngừa và ngăn chặn sớm tệ nạn tín dụng đen, thời gian qua, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương đã phối hợp giám sát chặt chẽ quy trình đăng ký, cấp phép hành nghề đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, lưu ý những ngành nghề thường liên quan đến tín dụng đen như công ty tài chính, dịch vụ cầm đồ, vệ sỹ…
Đặc biệt, để giảm thiểu việc người dân sử dụng dịch vụ tín dụng phi chính thống, ông Tăng Hải Châu, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đăk Lăk cho hay, NHNN chi nhánh tỉnh chỉ đạo các TCTD thực hiện những giải pháp mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận vốn phục vụ đời sống, kinh doanh…
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng, hoạt động tín dụng đen trên địa bàn hiện đang dần được đẩy lùi. Song theo khuyến cáo của cơ quan công an, loại tội phạm này vẫn tiềm ẩn phức tạp, các đối tượng chuyển từ hoạt động theo băng nhóm sang hoạt động riêng lẻ. Thay đổi phương thức thủ đoạn, thường xuyên thay đổi địa điểm. Đặc biệt, nhiều đối tượng chuyển từ hình thức gặp mặt trực tiếp sang cho vay qua mạng xã hội…
Vậy nên, thời gian tới, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tiếp tục theo dõi, giám sát, phát hiện xử lý kịp thời. Các hội, đoàn thể chính trị xã hội như hội nông dân, hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/quyet-ngan-chan-cho-vay-nang-lai-107004.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.