Hội nghị bàn tròn Lãnh đạo Công nghệ thông tin (CIO Digital Roundtable Series) với chủ đề “Chuyển đổi số và giải pháp cho các doanh nghiệp trong thời kỳ Covid-19” được tổ chức dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương; phối hợp tổ chức bởi Vụ Công nghiệp - Ban Kinh tế Trung ương, Tập đoàn IEC và Công ty VMware.
Sự kiện này nhằm lấy ý kiến doanh nghiệp đối với các vấn đề về cơ chế, chính sách để chủ trương về việc chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể đi vào cuộc sống, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho biết.
Theo ông Hiển, chủ trương phát triển mạnh mẽ kinh tế số đã được khẳng định tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến trong ASEAN, đến năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP.
Thực hiện Nghị quyết 52-NQ-TW, tháng 4/2020, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động tại Nghị quyết 50/NQ-CP. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Vài năm gần đây đã có nhiều doanh nghiệp chủ động chuyển đổi số từ rất sớm. Đi đầu là các doanh nghiệp công nghệ thông tin, tiếp theo là nhóm ngành ngân hàng, viễn thông, năng lượng, bảo hiểm, logistic, truyền hình…
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số mạnh mẽ hơn và chuyển đổi số đã không còn là khái niệm mơ hồ mà đã trở thành bắt buộc. Nhưng quá trình chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ số còn gặp nhiều khó khăn và không ít thách thức.
Khó khăn lớn nhất đó là quy định pháp lý chậm được ban hành và vẫn còn nhiều nút thắt. Thách thức lớn nhất đó là càng nhiều ứng dụng và càng nhiều dịch vụ mở ra thì càng cần dữ liệu lớn đi theo nó là vấn đề bảo mật an toàn thông tin. Khó khăn nữa là vấn đề đầu tư.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng ban Viễn thông và Công nghệ thông tin, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, rất khó xác định hiệu quả kinh tế khi đầu tư cho công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin không trực tiếp tạo ra doanh thu. Với quy định đầu tư phải mang lại hiệu quả, phải thu hồi vốn thì rất khó cho doanh nghiệp. Nếu lúc nào cũng đòi hỏi mọi khoản đầu tư đều an toàn, mọi dự án đều sinh lời thì sẽ không ai dám mạo hiểm nghiên cứu và đầu tư cho công nghệ mới.
Ông Tuấn đề nghị cần có quy định về định mức cho hoạt động đầu tư công nghệ (R&D) cần quy định cho doanh nghiệp được đầu tư cho công nghệ mới chẳng hạn như bằng bao nhiêu % doanh thu hay bao nhiêu % lợi nhuận.
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Công nghệ thông tin VietinBank nêu lên một vướng mắc nữa là quy định về đấu thầu yêu cầu đối tác phải không lỗ trong 3 năm liên tiếp đang cản trở các doanh nghiệp, các ngân hàng hợp tác với các công ty fintech và các start-up và các sàn thương mại điện tử.
“Vì vậy, cần có điều kiện thông thoáng hơn cho các đơn vị có thể mua sản phẩm của các công ty start-up và fintech phải có 3 năm tài chính không lỗ, đây là điều bất khả thi đối với các công ty fintech, start-up”, ông Lâm nói.
Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có chính sách định danh số cho người dân và thúc đẩy xây dựng hành lang pháp lý cho việc khai thác và sử dụng dữ liệu, tránh tình trạng quy định không rõ ràng dẫn đến việc doanh nghiệp vô tình vi phạm.
Để đạt được mục tiêu chuyển đổi số như Nghị quyết 52, Nghị quyết 50 đã đề ra, thì theo ông Nguyễn Đại Trí, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính - Bộ Tài chính: Phải thay đổi tư duy. Tư duy thay đổi mới thay đổi được trí tuệ và tiếp cận được các xu hướng tiến tiến nhất, công nghệ mới nhất.
Ông cho rằng bảo mật, an toàn và hiệu quả luôn là vấn đề quan trọng nhưng không thể vì quá lo lắng về bảo mật, vì an toàn và hiệu quả kinh tế mà không muốn thay đổi hoặc đưa ra các quy định quá chặt khiến quy định đó trở thành dây thắt bó sự sáng tạo và đổi mới.
“Chúng ta nói rất nhiều về sandbox nhưng đến nay đã có sandbox nào chưa?”, ông đặt vấn đề.
Và một thực tế là công nghệ thay đổi rất nhanh còn quy trình ra văn bản thì rất chậm. Vì vậy, các lãnh đạo công nghệ thông tin đề nghị để chuyển đổi số thành công, để đạt được mục tiêu như Đảng và Chính phủ đã đề ra thì phải thay đổi tư duy và cách làm từ cách đưa Nghị quyết, đưa văn bản chính sách vào cuộc sống thành cách đưa cuộc sống vào Nghị quyết, vào chính sách. Tức là chính sách, quy định phải kịp theo thực tế.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/de-chuyen-doi-so-thanh-cong-phai-dua-thuc-te-vao-nghi-quyet-106818.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.