![]() | Hàng xách tay có lý do để cáo chung |
![]() | Thật giả hàng xách tay |
![]() |
Tăng chế tài xử phạt, hàng xách tay liệu đã hết thời? |
Cụ thể, Chính Phủ vừa ban hành Nghị định 98-2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 15/10. Theo đó, hàng nhập lậu gồm hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu. Hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo... cũng được xếp vào diện hàng lậu. Như vậy, những mặt hàng xách tay không có chứng từ cũng sẽ bị xếp vào diện hàng lậu.
Đánh giá về việc tăng chế tài xử phạt đối với hàng xách tay, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, động thái này là rất tốt nhưng quan trọng là thực thi trên thị trường. Trước đây, quy định về việc phải có hóa đơn, chứng từ trong giao dịch trên thị trường có từ lâu, nhưng việc kiểm soát chưa được chặt chẽ. Chính vì vậy cần tăng vai trò của công an kinh tế, quản lý thị trường, nếu đã là hàng hóa kinh doanh thì nhất định phải có chứng từ, nếu không sẽ tịch thu.
Hàng xách tay vốn là một khái niệm không còn xa lạ đối với người tiêu dùng Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Từ việc xách tay hàng hóa từ nước ngoài về cho người thân, việc buôn bán hàng xách tay đã trở nên rầm rộ ở cả kênh bán truyền thống và bán online. Hiện tại, không khó để mua hàng xách tay từ đồ dùng gia đình, đồ điện tử, thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo… Theo khảo sát, nếu trước kia hàng xách tay chủ yếu là do người ở nước ngoài mang về, hay những tiếp viên hàng không cung cấp thì hiện nay, nhiều người còn lập nhóm sang hẳn các nước để thu mua hàng. Phần lớn hàng xách tay được bán có nguồn gốc từ các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc… là những nước đi lại thuận tiện và có chi phí rẻ. Tuy nhiên, nếu khách hàng cần bất cứ loại sản phẩm nào ở các nước như Anh, Pháp, Mỹ… hàng cũng sẽ được vận chuyển về.
Theo bật mí của một số người bán hàng xách tay, để tránh việc nộp thuế, hàng hóa được vận chuyển về qua nhiều kênh khác nhau như gửi người thân, bạn bè, công ty dịch vụ… từ đó gây ra việc thất thoát thuế.
Khảo sát tại phố Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội) - con phố được mệnh danh là “thủ phủ” hàng xách tay, các cửa hàng bán đồ xách tay mọc lên san sát, luôn tấp nập người bán kẻ mua. Theo một số người dân, vì những mặt hàng này không có chứng từ nên chỉ nói miệng với nhau là từ Đức, Pháp… dù vậy mọi người vẫn tin tưởng mua, một phần vì giá thành rẻ hơn so với hàng nhập chính hãng từ công ty.
Chị Trần Thu Trang (Đống Đa, Hà Nội) cho biết mua hàng xách tay chủ yếu dựa trên niềm tin là chính bởi lẽ loại hàng này xuất hiện ngày càng nhiều và không ai dám đảm bảo về chất lượng. Theo chị Trang, biện pháp duy nhất là mua từ người quen, có uy tín để đảm bảo hàng chính hãng. Tại các cửa hàng tại phố Nguyễn Sơn, mặt hàng xách tay rất đa dạng, từ mỹ phẩm, quần áo cho đến nhu yếu phẩm hàng ngày. Mặc dù con phố này cũng nhiều lần bị kiểm tra, một số cửa hàng đã bị xử phạt vì hàng hóa không có chứng từ nhưng các tiểu thương nơi đây vẫn tiếp tục “thờ ơ” khi được hỏi về giấy tờ chứng minh nguồn gốc của sản phẩm. Chị Nguyễn Thu H. - chủ một cửa hàng đồ xách tay trên phố Nguyễn Sơn lắc đầu nói: “Tôi bày bán một ít ở bên ngoài và nếu có người đến kiểm tra thì tôi nói rằng đồ này để nhà dùng không để bán”. Với nhiều chiêu trò khác nhau, các chủ cửa hàng đã dễ dàng luồn lách để không bị xử phạt hành chính.
Trước tình trạng trên, lý giải nguyên nhân, nhiều chuyên gia cho rằng mỗi lô hàng xách tay tại các đại lý có giá trị lên đến cả tỷ đồng, quy định xử phạt hành chính chưa đủ tính răn đe nên hàng xách tay không chứng từ vẫn tiếp tục xuất hiện trên thị trường.
Theo chuyên gia, người dân tìm đến hàng xách tay do tâm lý sính đồ ngoại nhưng lại muốn giá thành rẻ hơn. Vì vậy, dù cho hàng xách tay không rõ nguồn gốc nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua, từ đó tiếp tay cho hàng trốn thuế vào thị trường nội địa.
Bên cạnh hàng xách tay không chứng từ, hàng nhập lậu đội lốt hàng xách tay cũng tràn lan trên thị trường. Minh chứng là nhiều vụ buôn lậu loại hàng này đã bị cơ quan chức năng phanh phui. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, thực tế có hàng xách tay thật, tuy nhiên cũng có những người lợi dụng để buôn lậu hàng hóa. “Hàng nhập lậu qua biên giới vẫn đang thường xuyên diễn ra, phải xây dựng những chốt chặn ngay từ đây, một khi hàng đã tuồn vào thị trường sẽ khó kiểm soát hơn” - ông Phú cho biết.
Theo Nghị định 98-2020/NĐ-CP, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1 triệu đến 100 triệu đồng. Mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. |
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tang-che-tai-xu-phat-hang-xach-tay-khong-chung-tu-106816.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.