TP.HCM: Khuyến khích phát triển mảng xanh
11:06 | 25/09/2020
Thực hiện Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa chỉ đạo kiên quyết giữ diện tích mảng xanh hiện có và triển khai các giải pháp về cơ chế ưu đãi, khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phát triển mảng xanh, công trình xanh, khu dân cư xanh...
![]() | TP.HCM: Xuất khẩu vẫn tăng, kinh tế đang khôi phục dần |
![]() | TP.HCM có thể sẽ đi đầu trong lĩnh vực thử nghiệm khung chính sách mới |
![]() |
“Mảng xanh” tại TP.HCM đang thiếu hụt trầm trọng |
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, tính đến cuối năm 2018, TP.HCM hiện có 491,16ha đất công viên thuộc 369 công viên bao gồm các công viên công cộng và các công viên trong khu ở, diện tích đất công viên đạt bình quân 0,49m2/người. Trong đó, diện tích công viên khu vực nội thành cũ (13 quận) là 273,13ha, chiếm tỷ lệ 55,6% toàn thành phố, đạt bình quân 0,67m2/người. Diện tích công viên khu vực quận mới (6 quận) là 172,01ha, chiếm tỷ lệ 35% toàn thành phố, đạt bình quân 0,71m2/người. Khu vực ngoại thành (5 huyện) có diện tích công viên là 46,02 ha, chiếm tỷ lệ 9,4% toàn thành phố đạt bình quân 0,3m2/người... Các quận nội thành, trung tâm lại là nơi có số lượng, diện tích công viên lớn hơn các vùng còn lại.
Trên địa bàn các quận mới, các huyện ngoại thành thì diện tích đất công viên công cộng rất ít, mặc dù có quỹ đất quy hoạch cho công viên cây xanh rất lớn. Điển hình như các quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh chưa có 1 công viên công cộng nào.
Hiện, các công viên chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tổng thể mặt bằng hoặc có quy hoạch nhưng không còn phù hợp với thực tế. Hơn thế, hiện nay, công viên trên địa bàn TP.HCM phân bố không đều và bất hợp lý. Với tốc độ đầu tư như hiện nay, phải mất rất nhiều thời gian để phủ xanh khoảng gần 10.000 ha đất công viên còn lại trên địa bàn thành phố.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, công viên cây xanh không chỉ là nơi luyện tập thể thao, nơi vui chơi giải trí, nơi sinh hoạt cộng đồng mà như ở Singapore, các công viên cây được kết nối bằng hành lang xanh, tạo thành chuỗi liên kết. Ở TP.HCM trong suốt mấy chục năm qua không giám sát chỉ tiêu cây xanh, là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ công viên cây xanh thấp.
Dân số thành phố hiện chiếm 10% cả nước, nhưng diện tích cây xanh đạt rất thấp so với chỉ tiêu quy hoạch trên đầu người; những năm qua, chưa giám sát chỉ tiêu cây xanh. Để thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và đáng sống hơn, Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu phải xây dựng chiến lược tổng thể phát triển cây xanh, đặc biệt là giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện.
Chính vì thế, UBND TP.HCM đã xây dựng chương trình “Thành phố xanh - thân thiện môi trường giai đoạn 2020-2025”. Thành phố đặt ra chỉ tiêu trong giai đoạn trên, 100% tuyến đường có vỉa hè ổn định, quy mô từ 3m trở lên được trồng cây xanh; về mảng xanh, trung bình tăng 5ha/năm; đầu tư xây dựng 150ha đất công viên (bao gồm công viên công cộng và công viên trong khu dân cư); tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán đạt 41%; chỉ tiêu cây xanh đô thị đạt 0,65m²/người. Đồng thời, mỗi phường, xã, thị trấn, mỗi cơ quan, công sở, bệnh viện, trường học trên địa bàn có công trình phát triển mảng xanh với hình thức phù hợp điều kiện từng địa phương, đơn vị. Riêng trong năm 2020, phấn đấu duy trì kết quả hoàn thành xử lý, chuyển hóa điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải thành các công viên, mảng xanh, công trình phục vụ cộng đồng; tăng tối thiểu 15ha đất công viên, mảng xanh công cộng trên địa bàn thành phố.
Ông Hoan cũng yêu cầu các đơn vị kiên quyết giữ diện tích công viên cây xanh đã được quy hoạch để đảm bảo chất lượng cuộc sống người dân, xây dựng thành phố xanh, thân thiện môi trường và đảm bảo an toàn cho sinh hoạt của người dân; tăng mật độ cây xanh đối với các dự án nhà ở, kết hợp phát triển mảng xanh trên cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, vận động gắn với giải pháp về cơ chế ưu đãi, khuyến khích khi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phát triển mảng xanh, công trình xanh, khu dân cư xanh...
Đồng thời, quy hoạch cây xanh trên các tuyến đường, công viên vừa phù hợp với văn hóa, truyền thống của dân tộc, vừa phù hợp với điều kiện khí hậu của thành phố, nhằm tạo “một lá phổi xanh”, “một không gian xanh” mang nét đặc trưng các tuyến đường, công viên của TP.HCM.
“Các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến góp ý; bổ sung, hoàn chỉnh chương trình, thực hiện các bước tiếp theo đúng quy trình và quy định của pháp luật. Chủ trì triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện chương trình này, gắn với Chương trình xây dựng Thành phố xanh - Thân thiện môi trường giai đoạn 2020 - 2025”, ông Hoan chỉ đạo.
Ngọc Hậu