Tăng trưởng tín dụng: Gỡ trong thế khó
08:53 | 25/09/2020
Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng điều chỉnh, tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho TCTD có khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh để đáp ứng tối đa nhu cầu tín dụng của nền kinh tế.
![]() | Tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng |
![]() | Tín dụng ngân hàng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp |
![]() |
Cầu tín dụng sẽ cải thiện trong những tháng cuối năm |
Phục hồi trong khó khăn
Hai tháng đầu năm 2020, tín dụng tăng chậm (cuối tháng 1 tăng 0,01%, cuối tháng 2 tăng 0,2%), tuy nhiên ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, nhờ việc triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp hỗ trợ khách hàng, từ tháng 3/2020 đã xuất hiện phục hồi khi cầu tín dụng bắt đầu tăng. Đến cuối tháng 8/2020, tăng trưởng tín dụng đạt 4,75% và đến ngày 16/9/2020 tín dụng đã tăng 4,81%. Đặc biệt cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch tích cực, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như: tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 4%; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 3,29%; tín dụng đối với lĩnh vực DNNVV tăng 3%...
Báo cáo vĩ mô tháng 8 do Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới đây công bố cho biết, tín dụng trong những tháng còn lại của năm 2020 sẽ dần có sự cải thiện so với 8 tháng đầu năm. Tuy vậy, cơ quan này cũng nhận định mức độ cải thiện sẽ không lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa thật sự kết thúc khiến các DN duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng kinh doanh, hạn chế mở rộng đầu tư.
Trao đổi với một số chuyên gia kinh tế, phần lớn đều chung quan điểm từ nay tới cuối năm là khoảng thời gian rất ngắn, như các năm trước khoảng thời gian này sẽ có sự bứt phá về tốc độ tăng trưởng tín dụng, nhưng năm nay khó mà kỳ vọng có sự tăng tốc nhanh về con số. Thống kê của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thì gần như đến 98% DN chịu ảnh hưởng và ảnh hưởng xấu, nhiều DN trong đó họ không trả được nợ vay cho ngân hàng và xin tiếp tục giãn, hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ xấu. Sản xuất kinh doanh ngưng trệ, việc thanh toán nợ cũ khó khăn, đây là điều dễ dàng nhìn thấy. “Những DN có thể vay được vốn thì gặp khó do không có đơn hàng, chính vì thế không vay được. Trong khi nhiều DN do không đáp ứng được các điều kiện tín dụng nên không thể cho vay. Chính vì lẽ đó, tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm sẽ không thể bằng mọi năm, năm nay khả năng tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng rơi vào khoảng 9-10% là rất tích cực rồi”, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính chia sẻ.
Thêm nữa, nền kinh tế Việt Nam đang dần thích nghi với điều kiện mới khi vừa chống dịch vừa tăng trưởng phát triển sản xuất. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt lên, các DN có thể quay trở lại nhiều hơn thì có thể tăng trưởng tín dụng cũng sẽ có những sự phục hồi dần.
Theo SSI Research thì đưa ra dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 chỉ ở mức 7,5 - 8,5%. Đây cũng là mức tăng trưởng được TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định. Trên quan điểm của ông Hiếu, tăng trưởng tín dụng những tháng còn lại 2020 dựa vào tăng trưởng kinh tế. Thông thường tăng trưởng tín dụng sẽ là 2,5 lần GDP, nghĩa là nếu trường hợp tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức khoảng 3% thì tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 7,5% là hợp lý. Theo ông Hiếu, “hiện tại chúng ta đã đạt mức tăng trưởng tín dụng là 4,81%, thì những tháng còn lại tín dụng mức khoảng 7,5-8% là rất ổn rồi, bởi nền kinh tế của chúng ta hiện nay thật sự rất khó để đẩy quá nhiều tín dụng. Tăng trưởng tín dụng 7,5-8% là mức tăng trưởng đủ để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng từ 2-3%”.
Kích thích tín dụng tiêu dùng
NHNN chỉ đạo các TCTD trong những tháng cuối năm 2020 tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới, nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng. NHNN sẵn sàng điều chỉnh, tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho TCTD có khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh để đáp ứng tối đa nhu cầu tín dụng của nền kinh tế.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, NHNN cam kết tiếp tục thực hiện các giải pháp để sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn vốn cho DN và người dân đủ điều kiện vay vốn; song vẫn phải tuân thủ nguyên tắc, không lơ là chủ quan đối với công tác kiểm soát lạm phát, đảm bảo tính an toàn hệ thống TCTD. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, nếu như an toàn không được đảm bảo sẽ gây hệ lụy vô cùng khó lường cho nền kinh tế nói chung, bản thân DN và người dân nói riêng.
Bên cạnh đó, để phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng những tháng cuối năm của người dân NHNN cũng chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh các gói tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản và phù hợp với quy định của pháp luật. Ngân hàng Chính sách xã hội khẩn trương hoàn thành phương án thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng. Song, cơ quan quản lý cũng rất nhiều lần đề nghị các TCTD phải đặc biệt kiểm soát chặt chẽ chất lượng, hiệu quả tín dụng, tránh trường hợp lách cho vay tiêu dùng để vay vốn đối với các lĩnh vực rủi ro.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng hai việc này không có gì mâu thuẫn. Theo chuyên gia này, việc đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng hay hoạt động bán lẻ là đòi hỏi bắt buộc trong hoạt động của các ngân hàng trong nền kinh tế thị trường và đây cũng sẽ trở thành một trong những lĩnh vực mà các nhà băng quan tâm và phát triển. Tuy nhiên thời gian qua có một số trường hợp “đội lốt” tín dụng tiêu dùng để thực hiện đầu tư bất động sản cũng như thực hiện đầu tư một số lĩnh vực nóng, có thể gây rủi ro cho tín dụng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Bởi vậy NHNN và bản thân các NHTM, dù đều mong muốn đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, song vẫn phải nâng cao việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để giảm thiểu tình trạng vay không đúng mục đích, từ đó không chỉ làm cho khoản vay có điều kiện hoàn trả mà còn đồng thời giúp nền kinh tế đi đúng hướng.
Chuyên gia này cũng nhận định, đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng nhưng phải kiểm soát chặt chẽ các điều kiện vay, chú ý ngay từ cả mức độ tín dụng dù ranh giới này thật sự khá mong manh. “Như việc nếu muốn lách để đầu tư chứng khoán, hay bất động sản thì khách hàng phải có lượng đủ lớn, nếu chỉ vay tiêu dùng, sửa chữa cũng sẽ chỉ ở một mức độ nào đó thôi”, ông Thịnh chia sẻ.
Minh Khôi