Giá thành thức ăn chăn nuôi kéo giá thịt lên cao

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thế giới và tại Việt Nam liên tục tăng mạnh, đẩy giá thành thức ăn chăn nuôi lên cao, kéo theo giá các loại thịt gia súc, gia cầm có chiều hướng tăng đến hết năm 2020.
Giá thịt lợn sẽ ở đỉnh đến hết năm
Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp khó
Giá thành thức ăn chăn nuôi kéo giá thịt lên cao
Ảnh minh họa

Trong bối cảnh này, Việt Nam một mặt phải nhập khẩu lợn thịt để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, mặt khác phải tìm biện pháp khắc phục khó khăn để tái đàn bền vững, giảm phụ thuộc vào thịt nhập khẩu.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay Việt Nam vẫn nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng theo từng năm và phụ thuộc cả vào giá bán trên thế giới. Cụ thể, trong 9 tháng của năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trị giá 402 triệu USD, tăng 8,3% so với cùng tháng năm 2019. Các thị trường chính cung cấp thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cho Việt Nam là Argentina, Brazil, Mỹ và Trung Quốc...

Trong đó, Argentina là thị trường cung cấp lớn nhất cho Việt Nam, tăng 9,17% so với cùng tháng năm 2019, nâng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2020 lên hơn 1 tỷ USD, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 40,6% thị phần. Kế đến là thị trường Mỹ với kim ngạch nhập khẩu tăng 64,97%. Đứng thứ ba là Brazil với kim ngạch nhập khẩu 9 tháng tăng 60,45% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 9,7% thị phần.

Tính chung, trong 9 tháng/2020, Việt Nam đã chi hơn 2,5 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu. Cũng trong thời gian này, do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước tăng mạnh, đẩy giá thành thức ăn chăn nuôi lên cao. Điều này kết hợp với dịch bệnh tả lợn châu Phi năm 2019 đã khiến giá thịt lợn luôn có chiều hướng tăng. Đến thời điểm này, khi nhiều hộ chăn nuôi đang vào giai đoạn nước rút chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Tân Sửu, thì nhiều DN kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng đã thông báo tăng giá các sản phẩm.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, tổng sản lượng từ các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp trong nước 9 tháng/2020 đạt gần 10 triệu tấn (giảm 5,4% so với với cùng kỳ năm 2019, trong đó thức ăn cho lợn đạt 3,96 triệu tấn, giảm 25,0%). Cùng với đó, do dịch bệnh kéo dài, giá nguyên liệu trên thế giới đã tăng 10% nên giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng theo.

Đỉnh điểm là trong những tháng đầu năm 2020, các giao dịch bị nhỡ, các nguyên liệu như ngô, đậu tương… nhập khẩu từ Mỹ, Argentina đều bị mắc kẹt, tạo ra sự khan hiếm. Đặc biệt là giá những nguyên liệu như vitamin, khoáng chất, acid amin hay các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc đều tăng ít nhất 50% trở lên. Điều này khiến giá thức ăn chăn nuôi leo cao, ảnh hưởng lớn đến DN sản xuất, hộ nuôi và giá thịt thành phẩm.

Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ba Huân cho rằng, trong nông nghiệp hiện nay, chăn nuôi là lĩnh vực thu hút đầu tư xã hội lớn nhất mà phần lớn đều do tư nhân đầu tư, nhất là lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi với trên 99% vốn đầu tư là của tư nhân. Lĩnh vực chăn nuôi cũng đã tạo sinh kế cho hơn 6,5 triệu hộ nông dân (trong tổng số 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp), góp phần thay đổi bộ mặt của khu vực nông thôn…

Thế nhưng đến nay, số lượng thức ăn chăn nuôi cung ứng cho thị trường trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, còn lại đều phải nhập khẩu cả thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất. Điều này dẫn đến việc nguồn cung thức ăn chăn nuôi bị động về giá và chịu áp lực theo giá của thị trường thế giới.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/gia-thanh-thuc-an-chan-nuoi-keo-gia-thit-len-cao-106759.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.