![]() | Luật PPP phải hoá giải được rủi ro cũ và thách thức mới |
![]() | Đầu tư PPP đã hết rủi ro?! |
![]() |
Mong mỏi nhất hiện nay của các NĐT PPP là chính sách được áp dụng cả với dự án đang triển khai |
Mong luật mới chuyển tiếp sang dự án cũ
PGS-TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các NĐT công trình giao thông đường bộ (VARSI) đánh giá, trước đây khó khăn lớn nhất của đầu tư PPP là chưa có luật hoàn chỉnh. Vì vậy khi luật ra đời, NĐT rất kỳ vọng đây sẽ là tháo gỡ quan trọng để phát huy nội lực, khát vọng của NĐT trong nước nhằm xây dựng hệ thống công trình giao thông đường bộ trên toàn quốc.
Song ông Chủng cũng cho hay, bên cạnh việc áp dụng luật cho các dự án mới triển khai trong tương lai, NĐT PPP đang băn khoăn hơn cả về khả năng chuyển tiếp của luật đối với các dự án đã và đang triển khai theo hình thức này, đặc biệt về cơ chế chia sẻ rủi ro.
Theo đó, Điều 82 của Luật PPP quy định: “Khi doanh thu thực tế đạt thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, DN dự án PPP 50% phần chênh lệch giữa mức 75% doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế”. Chính sách chia sẻ rủi ro này được thực hiện đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, BTO, BOO sau khi thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án PPP.
“Nhiều NĐT đặt câu hỏi là với các dự án đã và đang triển khai, thậm chí cả các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đang chuẩn bị tiến hành mở thầu trong tháng 10 tới đây, thì cái chia sẻ rủi ro có được áp dụng hay không, vì luật chính thức có hiệu lực từ năm 2021”, ông Chủng đặt vấn đề.
Băn khoăn khác của NĐT là trách nhiệm của ban quản lý Nhà nước. Khi các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương không thực hiện đúng cam kết thì có chế tài xử lý hay không, đồng thời NĐT có thể yêu cầu sự bình đẳng trong thực hiện hợp đồng PPP như thế nào?
Ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả nêu thực tế, đơn vị này đang đầu tư nhiều dự án quy mô trọng điểm quốc gia. Căn cứ theo quyết định chủ trương đầu tư trước kia thì chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro trong quá trình vận hành các công trình này. Ông nhấn mạnh, đây là thiệt thòi lớn trong giai đoạn khó khăn hiện nay, khiến NĐT này phải tự mình gánh chịu các khoản thâm hụt doanh thu lớn, ảnh hưởng tới khả năng trả nợ. Vì vậy đơn vị này kiến nghị có điều khoản chuyển tiếp để có thể chia sẻ doanh thu theo quy định của luật mới.
Bên cạnh đó, vị này cho hay trong quá trình đầu tư hiện nay, DN gặp vấn đề là các cam kết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thường xuyên bị vô hiệu. Khi xảy ra tình huống đó, bên ký hợp đồng phản hồi lại rằng đó là do quyết định của cơ quan cấp trên của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. “Khi gặp tình huống như vậy thì chúng tôi biết kiện ai và chế tài khởi kiện như thế nào, tôi cho rằng phải có quy định cụ thể để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với dự án có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho NĐT”, ông Thế đề xuất.
Không thể nghiễm nhiên hồi tố
Theo phản hồi đến thời điểm hiện nay của cơ quan quản lý thì việc hồi tố cơ chế chia sẻ rủi ro đối với các dự án đã thực hiện là không đơn giản. Bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Điều 101 của Luật PPP đã quy định rõ điều khoản chuyển tiếp. Tuy nhiên ban soạn thảo luật cũng nhận thấy rằng đối với các dự án PPP triển khai ở mức độ khác nhau thì thách thức khác nhau. Chính vì vậy Điều 101 đã được Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết hơn và sẽ tính toán đến tất cả các trường hợp đang phát sinh trong thực tế.
Mặt khác, bà Lê cũng đề nghị các NĐT nghiên cứu kỹ hơn về Điều 82 của Luật PPP. Theo đó, cơ chế chia sẻ rủi ro phải được đề xuất tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và được hội đồng thẩm định trên cơ sở khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước. Đối với các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam đã được quyết định tại Nghị quyết 52 của Quốc hội và đang trong quá trình đấu thầu, nếu chia sẻ rủi ro đã được thống nhất thì thực hiện bình thường, còn nếu chưa có thì theo luật sẽ làm lại chủ trương đầu tư theo đúng quy trình.
“Nguyên tắc chuyển tiếp đã quy định rõ trong luật là không sửa đổi, động đến chủ trương, còn nếu động đến chủ trương thì phải quay lại đàm phán toàn bộ dự án”, bà Lê nhấn mạnh.
Đặc biệt Luật PPP được thiết kế để chia sẻ rủi ro giữa cả hai bên, trong đó có nhiều biến số đặt vào bài toán. Do đó để thay đổi những chính sách lớn như chia sẻ rủi ro thì phải qua quá trình đề xuất, thẩm định để xem ngân sách có chịu được hay không. “Chúng tôi hy vọng có thể bàn thảo để đưa ra phương án tốt hơn mà vẫn tuân thủ Điều 101, còn nếu nói rằng sửa ngay Điều 101 để không phải bước qua khâu chủ trương đầu tư mà vẫn được hưởng cơ chế chia sẻ rủi ro thì hơi khó”, bà Lê cho biết.
Về vấn đề giải quyết tranh chấp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng chúng ta đang xây dựng văn hoá thực hiện PPP, do đó đây là bước chuyển tiếp cần thiết để thực hiện theo cơ chế thị trường, với quyền và lợi ích giữa Nhà nước và NĐT là ngang nhau. Ban soạn thảo luật cho rằng, luật luôn đề cao và nêu rõ đây cơ chế giải quyết tranh chấp được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng. Vì vậy giữa NĐT và cơ quan quản lý nhà nước cần xác định rõ vai của mỗi bên ngay từ khi bắt tay vào xây dựng hợp đồng, nếu không thực hiện đúng vai thì phải thể hiện rõ ngay trong hợp đồng và có cơ chế giải quyết luôn.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nha-dau-tu-ppp-ngong-hoi-to-chinh-sach-106575.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.