Hệ thống ngân hàng vững vàng nhờ nền tảng tài chính tốt

Các khoản nợ xấu mới từ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ đặt ra những thách thức hơn nữa về vốn cho các ngân hàng. Vậy, tình hình hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ diễn ra như thế nào? Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
he thong ngan hang vung vang nho nen tang tai chinh tot Nhiều động lực tăng trưởng tín dụng cuối năm
he thong ngan hang vung vang nho nen tang tai chinh tot Ngân hàng "tăng tốc" cho vay tiêu dùng
he thong ngan hang vung vang nho nen tang tai chinh tot
Ảnh minh họa

Áp lực nợ xấu có gây sức ép đến việc tăng vốn của các ngân hàng không, thưa ông?

Tình hình nợ xấu có thể diễn biến xấu đi trong thời gian tới và làm bức tranh tài chính của nhiều ngân hàng khó khăn hơn. Qua đó cũng tạo áp lực đối với các ngân hàng tăng vốn để đảm bảo quy chuẩn về an toàn vốn trong hoạt động. Tuy nhiên, tôi cho rằng, sức ép đó không quá lớn trong thời điểm này mà có thể rơi vào giai đoạn những năm tới. Hiện tại, các ngân hàng vẫn đang còn “lương khô dự trữ” và có thể giúp các ngân hàng giữ được ổn định, an toàn trong hoạt động. Do đó, hệ số an toàn vốn nếu có giảm do tác động từ nợ xấu tăng cũng chỉ quanh mức 8% theo quy định của NHNN chứ không bị rơi khỏi mốc này.

Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Mấy năm trước, NHNN rất khắt khe trong việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Năm nay cũng vậy, NHNN tiếp tục yêu cầu ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nhờ đó, ngân hàng đã giữ lại khoản tiền mặt không nhỏ. Cộng với lợi nhuận từ kinh doanh trong mấy năm qua tương đối tốt và hoạt động xử lý nợ xấu giai đoạn vừa rồi khá tích cực đã giúp gia tăng sức mạnh tài chính đáng kể cho các ngân hàng. Đó chính là “lương khô”, của để dành cho các ngân hàng giải quyết khi gặp phải các vấn đề rủi ro phát sinh; cộng với sức khỏe cải thiện là nền tảng quan trọng để các ngân hàng xoay xở tốt trong giai đoạn khó khăn này.

Ông dự báo thế nào về hoạt động ngân hàng trong thời gian tới?

Với sự bất định của kinh tế thế giới rất khó dự đoán chính xác mức độ tác động cũng như đo lường những thiệt hại có thể xảy ra. Chỉ biết rằng, tại thời điểm này, kinh tế Việt Nam đang gặp không ít khó khăn. Hai tháng liên tục chỉ số PMI – chỉ số đo lường sức mua và đơn đặt hàng mới của kinh tế Việt Nam giảm dưới mức 50 điểm chỉ còn 45,7 điểm. Đây là một dấu hiệu khá tiêu cực của nền kinh tế đang có sức tăng trưởng tốt như Việt Nam. Có thể nói, dịch Covid giai đoạn 2 đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam.

Nhìn sang cán cân xuất nhập khẩu Việt Nam, tuy có điểm đáng mừng là vẫn đảm bảo tăng trưởng dương. Nhưng trong cơ cấu ngành hàng xuất khẩu, nhất là những ngành hàng chủ lực có biểu hiện suy giảm như thủy sản giảm 5%, dệt may, da giày giảm trung bình gần 10%... Điều đáng nói, đây cũng là những khách hàng lớn của các ngân hàng.

Trong thời gian tới, nếu môi trường kinh doanh tiếp tục khó khăn, thì khả năng tạo ra thị trường mới, nguồn thu mới cho các ngân cũng không hề dễ dàng. Ngân hàng tồn tại và phát triển được nhờ khách hàng, nên khách hàng khỏe, ngân hàng sẽ tiếp tục đứng vững phát triển tốt và ngược lại. Từ thực tế này cho thấy, khi nền kinh tế gặp khó khăn, ngân hàng không tránh khỏi những tác động.

Chỉ có khác là mức độ bị ảnh hưởng nhiều hay ít và khả năng giải quyết khó khăn như thế nào tùy thuộc sức khỏe mỗi ngân hàng. Trong mấy năm qua, độ phân hóa giữa các ngân hàng bắt đầu giãn rộng thể hiện rõ qua lợi nhuận, quy mô, cơ cấu khách hàng nhất là chất lượng khách hàng. Ngân hàng nào duy trì được thị phần, có lực lượng khách hàng mạnh thì vẫn giúp họ vững vàng đi tiếp dù lợi nhuận không tránh khỏi suy giảm. Còn ngân hàng nào có khách hàng chưa được mạnh chắc chắn sẽ vất vả hơn.

Điều đáng mừng là chất lượng danh mục tín dụng của các ngân hàng không bị suy giảm quá lớn như dự báo. Đặc biệt, thanh khoản của hệ thống duy trì tốt. Điểm tích cực nữa như tôi nói ở trên là thể lực của các ngân hàng được cải thiện rõ nét so với 5-10 năm trước. Có được điều đó, ngoài sự chủ động từ phía ngân hàng, trong mấy năm qua NHNN kiểm soát rất chặt tăng trưởng tín dụng cả về quy mô lẫn cơ cấu, chất lượng tín dụng.

Nếu có vấn đề gì, NHNN cảnh báo ngay qua giám sát từ xa lẫn kiểm soát trực tiếp hồ sơ. Với sự kiểm soát chặt chẽ này, quy mô tín dụng bám sát, phù hợp với năng lực tài chính của các ngân hàng, không xảy ra tăng trưởng nóng. Cùng với chất lượng tài sản tương đối tốt, tôi hy vọng rằng, các ngân hàng có thể giải quyết, vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

Xin cảm ơn ông!

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/he-thong-ngan-hang-vung-vang-nho-nen-tang-tai-chinh-tot-106326.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.