Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới từ đầu năm đến nay, nhưng thị trường trong nước vẫn nhiều hàng hóa nhập khẩu. Trong đó, các nhóm hàng như thực phẩm tươi sống, đồ khô, thực phẩm đông lạnh (thịt gia súc gia cầm, thủy hải sản…) hay hàng tiêu dùng (hóa mỹ phẩm, gia dụng, đồ dùng nhà bếp…) chiếm số lượng lớn, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến nay, lượng thủy sản nhập khẩu từ Nhật Bản tăng 31,7%. Cùng với các quốc gia khác như Ấn Độ, Na Uy, thì các nước Đông Nam Á là những thị trường lớn hàng đầu cung cấp thủy sản cho Việt Nam với kim ngạch đạt trên 100 triệu USD/thị trường. Nếu Ấn Độ và Bangladesh, Thái Lan cung cấp nguồn thủy sản nguyên liệu để doanh nghiệp Việt chế biến hàng xuất khẩu, thì các nước Nhật Bản, Canada, Na Uy… là nơi cung cấp thủy sản cho tiêu thụ nội địa. Mặc dù so với cùng kỳ năm 2019, nguồn cung thủy sản tiêu thụ có giảm (như thị trường Na Uy sụt giảm 8,3% so với cùng kỳ 2019), nhưng số lượng nhập khẩu vẫn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, với giá trị trên 117,73 triệu USD/đến nửa tháng 8/2020. Kim ngạch nhập khẩu từ Nhật Bản với các loại cá, tôm, cua lên đến đạt 101,52 triệu USD.
Tốc độ nhập khẩu nhóm mặt hàng trái cây tươi mặc dù có chậm lại, nhưng số lượng giảm không đáng kể (đến nửa tháng 8/2020 đạt kim ngạch nhập khẩu gần 670 triệu USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2019). Việt Nam nhập khẩu rau quả nhiều nhất là từ Thái Lan với khoảng 564 triệu USD, kế đến là Trung Quốc với 420 triệu USD, Hoa Kỳ đạt gần 262 triệu USD, Australia đạt gần 103 triệu USD. … Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu hàng chục triệu USD rau quả từ các thị trường khác như New Zealand, Hàn Quốc, Nam Phi, Chi Lê. Đáng chú ý, ngoại trừ Thái Lan có kim ngạch nhập khẩu rau quả vào Việt Nam giảm 27% so với cùng kỳ năm trước, các thị trường còn lại đều có mức tăng khá cao. Điển hình như nhập khẩu rau quả từ Chi Lê tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019, lên mức 29,3 triệu USD, từ Hoa Kỳ tăng 47%, lên gần 262 triệu USD. Các thị trường khác như Hàn Quốc, Nam Phi, New Zealand cũng có mức tăng cao trên 30%…
Mặc dù Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh, nhưng rất nhiều nước vẫn xem đây là thị trường tiềm năng của các loại trái cây, rau quả tươi (táo, cam, nho, lê….). Vì vậy, hiện nay tại tất cả hệ thống siêu thị lớn nhỏ, cửa hàng tiện lợi, quầy sạp tại chợ truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh, thực phẩm ngoại nhập vẫn bán với số lượng rất lớn. Cụ thể, tại Co.op Mart, Aeon Mall, Vinmart… trái cây ngoại như táo, lê, chiếm số lượng lớn hơn hàng Việt Nam.
Cùng với đó tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi chuyên kinh doanh thực phẩm nhập khẩu như Annam Gourmet (thực phẩm Châu Âu, Hoa Kỳ), Akuruhi (Nhật Bản)… trên các quầy kệ có vài trăm loại thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản cả tươi sống và đông lạnh… Không chỉ phong phú về số lượng, mà giá cả cũng được người bán điều chỉnh hợp lý hơn, tiết kiệm hơn cho người tiêu dùng thông qua khuyến mãi, giảm giá, tặng kèm sản phẩm.
Đặc biệt, trong tuần lễ có ngày Quốc khánh 2/9, gần như tất cả các siêu thị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh như Co.op Mart, Vinmart, Satra… đều có chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu hay mua một tặng một dành cho khách mua thực phẩm, hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu (có cả hàng nhập khẩu). Các siêu thị ngoại như Aeon Mall, Lotte Mat giảm từ 15% - 20% nhóm thịt gia súc đông lạnh (bò) nhập khẩu, hay giảm 30% nhóm thủy hải sản tươi sống và đông lạnh nhập khẩu (cua hoàng đế, cá hồi, cá trứng…). Hiện nay, người kinh doanh vẫn chuẩn bị nguồn hàng nhập khẩu rất phong phú, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thuc-pham-ngoai-van-day-ap-cho-viet-105945.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.